Chính trị

Gia Nghĩa và khát vọng thành phố trẻ

Hồ Đức Diệu 22/03/2024 05:10

Gia Nghĩa, thành phố trẻ phía nam Tây Nguyên đang vươn mình bứt phá trên cơ sở kế thừa truyền thống lịch sử hào hùng và những thành tựu quan trọng từ khi được chọn làm trung tâm chính trị của tỉnh Đắk Nông khi tái lập.

ADQuảng cáo

Lịch sử hào hùng

Tháng 3/1975 trở thành mốc son đáng nhớ đối với vùng đất Tây Nguyên nói chung, Gia Nghĩa nói riêng. Sau khi Bộ Tổng tư lệnh quyết định chọn Tây Nguyên làm địa bàn đột phá, mở đầu trận quyết chiến chiến lược, vùng Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức là mục tiêu phối hợp với mặt trận chính Buôn Ma Thuột nhằm tạo bàn đạp quan trong để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

chinh-trang-02.jpg
Hạ tâng đô thị Gia Nghĩa ngày càng được đầu tư đồng bộ, khang trang

Sau hàng loạt chiến thắng của quân ta trên chiến trường Tây Nguyên, ngày 22/3/1975, Trung đoàn 271 chủ lực Miền nổ súng tiến công Gia Nghĩa, đánh chiếm tiểu khu, sân bay, tòa Tỉnh trưởng, Ty cảnh sát, căn cứ Đoàn bảo an và các cứ điểm quân sự khác. Thiếu tá, tỉnh trưởng Quảng Đức vội vã lên máy bay bỏ chạy về Sài Gòn. Bộ đội địa phương và du kích huyện Khiêm Đức tiến vào hỗ trợ bộ đội chủ lực tiếp quản thị xã Gia Nghĩa, đánh địch rút chạy trên đường số 8 tại khu vực Hàng No, Kinh Đạ, thu 4 xe bọc thép, 6 khẩu pháo 105mm và hàng chục xe quân sự. Bộ đội địa phương K1 và K6 tỉnh Lâm Đồng phục kích, bắt sống gần 200 tên, chỉ một số ít thoát vào rừng, chạy về hướng sông Đồng Nai.

5 giờ sáng 23/3/1975, Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn giải phóng. Quân giải phóng làm chủ đường số 14 nối Buôn Ma Thuột với Bình Phước, mở thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ.

Ngày 23/3/1975, đã đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại trong cuộc tiến công, giải phóng Gia Nghĩa, tỉnh Quảng Đức, mở ra bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, góp phần tạo khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường miền Nam, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng để Gia Nghĩa bắt đầu một cuộc kiến thiết mới với những khát vọng mới.

Những dấu mốc quan trọng

Theo người dân địa phương, sau giải phóng, Gia Nghĩa vẫn là vùng đất hoang sơ, nghèo nàn và lạc hậu. Tuy nhiên, kể từ ngày tỉnh Đắk Nông được tái lập (1/1/2004), với vai trò trung tâm chính trị của tỉnh, Gia Nghĩa bắt đầu vươn mình phát triển với những dấu ấn nổi bật trong chặng đường 20 năm qua.

gia-nghia-1(1)-55571935400c38f5c31f367fd778666d.jpg
Sở hữu diện tích cây xanh, mặt nước lớn, Gia Nghĩa có nhiều lợi thế để phát triển đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại

Để xứng tầm với một trung tâm chính trị của tỉnh, ngày 27/6/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2005/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Gia Nghĩa; thành lập các phường, xã thuộc thị xã Gia Nghĩa. Đây là dấu mốc quan trọng, tạo cơ sở, tiền đề cho một đô thị trẻ tiếp tục lộ trình phát triển. Với sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân, sự quan tâm của trung ương, Gia Nghĩa từng bước được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, phát triển toàn diện cả về kiến trúc thượng tầng. Hình hài của một đô thị trẻ phía nam Tây Nguyên dần được hình thành dáng dấp.

Với những thành quả đạt được cũng như yêu cầu của một trung tâm chính trị của tỉnh, đến ngày 12/2/2015, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 209/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông là đô thị loại III.

Việc công nhận thị xã Gia Nghĩa là đô thị loại III là cơ sở đánh giá thực trạng phát triển đô thị, bảo đảm khai thác tối ưu các tiềm năng, lợi thế của Gia Nghĩa, tạo cơ hội phát triển nhanh, toàn diện trước yêu cầu mới.

Ngày 15/1/2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đắk Nông long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP. Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về những thành quả trong quá trình phát triển của đô thị Gia Nghĩa; cũng là trọng trách để cán bộ, quân và dân thành phố trẻ nhất nước tiếp tục nỗ lực xây dựng Gia Nghĩa xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội và khoa học công nghệ của tỉnh Đắk Nông.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, hạ tầng của một thành phố trẻ không ngừng được đầu tư, đời sống vật chất, tình thần của người dân ngày càng được nâng cao, văn hóa, văn minh đô thị ngày càng phát triển.

Đến năm 2020, TP. Gia nghĩa được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Gia Nghĩa trở thành địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh về đích xây dựng nông thôn mới và cũng là địa phương đầu tiên không còn hộ đói, nghèo.

Kiến tạo đô thị hiện đại

Đắk Nông là tỉnh cuối cùng trong cả nước thành lập thành phố trực thuộc tỉnh nên Gia Nghĩa phải xứng đáng là thành phố trẻ, đầy khát vọng. Chính điều đó cho thấy Gia Nghĩa mang trong mình sức trẻ, với nhiều khát vọng của một đô thị dần đổi thay.

Xét về lợi thế so sánh, là thành phố trẻ, Gia Nghĩa kế thừa kinh nghiệm của các thành phố đi trước trong kiến tạo hạ tầng, đón đầu xu hướng phát triển đô thị số, thành phố thông minh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Gia Nghĩa lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa đô thị Gia Nghĩa trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, cơ bản đạt đô thị loại II.

Đây là mục tiêu, vừa là khát vọng của người dân Gia Nghĩa trên lộ trình phát triển. Một trong những giải pháp mà chính quyền thành phố chú trọng là quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn.

Gia Nghĩa tập trung vào các hạ tầng còn thiếu so với tiêu chí đô thị loại II như: nâng cấp bến xe liên tỉnh; xây dựng mới, nâng cấp các cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường; xây dựng mới các hoa viên, công viên, mảng xanh công cộng; xây dựng nhà tang lễ...Khi đạt đô thị loại II, TP. Gia Nghĩa sẽ nâng tầm về các mặt kinh tế - xã hội và sẽ có bước phát triển nhanh, bền vững hơn.

Còn nhớ trong bài phát biểu nhân Lễ công bố quyết định thành lập TP. Gia Nghĩa vào tháng 1/2020, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh lúc bấy giờ nhấn mạnh: “Đắk Nông nằm trên tuyến kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng Đông Nam bộ và kinh tế phía Nam nên có rất nhiều thuận lợi. Trong đó, TP. Gia Nghĩa với vai trò là đô thị trung tâm, kết nối để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ bản sắc địa phương. Hi vọng từ niềm vui và khát vọng ấy, mong rằng Gia Nghĩa nhanh chóng trở thành một trong những đô thị hiện đại trong tương lai gần…”.

Các chuyên gia nhận định, TP.Gia Nghĩa có đầy đủ cở để phát triển thành đô thi xanh, đô thị thông minh trên cơ sở phân bổ nguồn lực và có chiến lược phát triển hợp lý. Sở hữu gần 40% diện tích cây xanh và mặt nước, TP. Gia Nghĩa đang là mơ ước của nhiều địa phương, thành phố khác trong cả nước trong xây dựng một đô thị xanh, bền vững văn minh và hiện đại.

Với truyền thống lịch sử hào hùng, kế thừa những thành quả đạt được trong chặng đường 20 năm kể từ khi Đắk Nông được tái lập, Gia Nghĩa đang dần biến những mục tiêu, khát vọng thành hiện thực, xứng tầm là đô thị hạt nhân, làm động lực phát triển cho các tiểu vùng nội tỉnh và khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Nghĩa và khát vọng thành phố trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO