Chính trị

Gia Nghĩa - thành phố trẻ vươn mình mạnh mẽ

Cẩm Trang 23/03/2023 05:00

Phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Gia Nghĩa hôm nay đang nỗ lực vượt qua khó khăn, viết tiếp trang sử hào hùng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền địa phương và sự đồng thuận nỗ lực vượt khó của Nhân dân, TP. Gia Nghĩa đã và đang phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông.

Khúc tráng ca ngày ấy

Nếu như chiến thắng của quân và dân tỉnh Quảng Đức như một bản hùng ca về lòng yêu nước, một dấu son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng như sự hình thành và phát triển của tỉnh Đắk Nông thì giải phóng Gia Nghĩa chính là mảnh ghép để làm nên khúc tráng ca ấy.

tay-nguyen-220320.jpg
Quân giải phóng trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 23/3/1975, Gia Nghĩa được giải phóng, mở ra bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, góp phần tạo khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường miền Nam, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. 48 năm đã trôi qua, những chiến công giải phóng Gia Nghĩa vẫn sáng trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc, là dấu ấn quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của TP. Gia Nghĩa ngày nay.

Trong đấu tranh, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Đức, Nhân dân trong tỉnh kiên trung, bất khuất, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Trong mỗi chiến công, đều có máu xương, công sức và trí tuệ của các chiến sĩ và đồng bào các dân tộc.

Có thể khẳng định, chiến thắng Gia Nghĩa là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, linh hoạt của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên khắp chiến trường. Là sự nỗ lực của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đã đoàn kết một lòng, thủy chung son sắt, quả cảm kiên cường suốt 30 năm gian khổ, vùng lên chiến đấu, giải phóng quê hương, làm nên thắng lợi vẻ vang. Là thắng lợi của sự khéo léo trong việc sử dụng nghệ thuật chiến tranh Nhân dân.

48 năm qua, từ một thị trấn Gia Nghĩa nhỏ bé ngày nào đã được thay thế bằng một TP. Gia Nghĩa đầy năng động, đổi mới với các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật. Phát huy truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Gia Nghĩa phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra. Đồng thời, thành phố rà soát lại các lĩnh vực đầu tư, kịp thời bổ sung, uốn nắn những thiếu sót, chỉ đạo sâu sát để các phường, xã thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế xã hội theo hướng phát triển xanh và bền vững.

Dấu ấn thành phố trẻ 

Được thành lập vào ngày 1/1/2020 với nhiều khó khăn, thử thách, song, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cũng như sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bước đầu Gia Nghĩa đã đạt những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, thành phố Gia Nghĩa đều đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, bộ mặt đô thị phát triển rõ nét. Theo đó, năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.255 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao quản lý, sử dụng là hơn 252 tỷ đồng. Gia Nghĩa đã có 13 dự án được khởi công mới và triển khai 11 dự án quy hoạch chi tiết tại địa phương.

Tỉnh Đắk Nông xác định, giai đoạn 2025 - 2030, TP. Gia Nghĩa sẽ là trung tâm của vùng Nam Tây Nguyên với các thế mạnh về giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ, tài chính, công nghiệp, khoa học kỹ thuật. Theo dự kiến vào năm 2025, sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Đến năm 2030, sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động cao tốc Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa và cũng sẽ bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Thực hiện mục tiêu quy hoạch xây dựng Gia Nghĩa hướng tới đô thị “Hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang bản sắc văn hóa riêng của vùng Nam Tây Nguyên”, do đó, thành phố nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển đô thị, quan tâm, bố trí nguồn lực, kinh phí để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Tập trung vào các hạ tầng còn thiếu so với tiêu chí đô thị loại II như: nâng cấp bến xe liên tỉnh; xây dựng mới, nâng cấp các cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, mở rộng các tuyến đường; xây dựng mới công viên, mảng xanh công cộng…

7(1).jpg
Thành phố Gia Nghĩa hướng tới đô thị “Hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang bản sắc văn hóa riêng của vùng Nam Tây Nguyên”

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay đời sống văn hóa, xã hội, điều kiện vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn thành phố có nhiều thay đổi tích cực; quốc phòng, an ninh được giữ vững; không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020).

Năm 2022, thành phố Gia Nghĩa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động cho người dân. Cùng với đó, Gia Nghĩa có những chính sách hỗ trợ tích cực cho người dân, từng bước khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Với việc xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố Gia Nghĩa đang quyết liệt vào cuộc để phát huy tiềm năng, thế mạnh và trở thành trung tâm du lịch của tỉnh. Với việc đầu tư hạ tầng, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch ấn tượng đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tăng nguồn thu cho thành phố. Do đó, Gia Nghĩa sẽ tiếp tục tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông- lâm nghiệp.

Là thành phố trẻ, Gia Nghĩa luôn xác định cải cách thủ tục hành chính là yếu tố then chốt tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng thu hút doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hiện nay nhiều nhà đầu tư lớn đã đến với Gia Nghĩa. Theo đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể hóa các giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Nhân dân.

Cùng với phát triển đô thị, đời sống của Nhân dân trên địa bàn thành phố được nâng lên. Chế độ, chính sách cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình chính sách được quan tâm giải quyết kịp thời. Thành phố hiện có 39 trường học, trong đó 16 trường đạt chuẩn quốc gia, dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Phong trào xây dựng nông thôn mới được tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, thu hút nhiều đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân tham gia, góp phần đem lại môi trường xanh - sạch - đẹp, hình thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng.

Công tác cán bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của thành phố đã được nâng lên rõ nét. Gia Nghĩa đặt quyết tâm cao trong xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số; chú trọng việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ. Hiện nay, nhiều trường hợp đã được học trung cấp lý luận chính trị và được bố trí, sắp xếp một số vị trí chủ chốt ở xã, phường.

Trong công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên ngày càng được nâng cao. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới ngày càng được củng cố.

Sự kiện 23/3/1975

Trên cơ sở giành thắng lợi liên tiếp ở Kiến Đức, ngày 8/3/1975; Đức Lập, ngày 9/3/1975; Đạo Nghĩa ngày 17/3/1975 thì địch ở Gia Nghĩa và huyện hết sức hoang mang, bộ máy quân địch trong các ấp tê liệt. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam quyết định tiến công giải phóng Gia Nghĩa. Theo đó, Huyện uỷ họp đề ra nhiệm vụ trước mắt là tổ chức chặn đánh địch rút quân từ Buôn Ma Thuột qua Gia Nghĩa về Lâm Đồng theo đường số 8.

Ngày 22/3/1975, Trung đoàn 271 chủ lực nổ súng tiến công Gia Nghĩa, đánh chiếm tiểu khu, sân bay, tòa Tỉnh trưởng, Ty cảnh sát, căn cứ Đoàn bảo an và các cứ điểm quân sự khác. Thiếu tá tỉnh trưởng Quảng Đức vội vã lên máy bay bỏ chạy về Sài Gòn. Bộ đội địa phương và du kích huyện Khiêm Đức tiến vào hỗ trợ bộ đội chủ lực tiếp quản thị xã Gia Nghĩa, đánh địch rút chạy trên đường số 8 tại khu vực Hàng No, Kinh Đạ, thu 4 xe bọc thép, 6 khẩu pháo 105mm và hàng chục xe quân sự. Bộ đội địa phương K1 và K6 tỉnh Lâm Đồng phục kích, bắt sống gần 200 tên, chỉ một số ít thoát vào rừng, chạy về hướng sông Đồng Nai.

5 giờ sáng 23/3/1975, Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn giải phóng. Quân giải phóng làm chủ đường số 14 nối Buôn Ma Thuột với Bình Phước, mở thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ.

Với vị trí là án ngữ đường 14 nối Buôn Ma Thuột với tỉnh Bình Phước và khởi nguồn đường số 8 nối sang tỉnh Lâm Đồng nên sau khi giải phóng Gia Nghĩa, đã cắt đứt tuyến đường chi viện của địch từ Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên theo quốc lộ 14 và từ Lâm Đồng sang theo quốc lộ 28, làm cho địch rơi vào thế bị động, mất phương hướng chiến đấu. Ngày 24/3/1975, quận Đức Xuyên giải phóng.

Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Gia Nghĩa - thành phố trẻ vươn mình mạnh mẽ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO