TP. Gia Nghĩa xác định ứng dụng công nghệ cao và đầu tư chế biến sâu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Ứng dụng công nghệ cao
TP. Gia Nghĩa có trên 22.046ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích gieo trồng các cây trồng chính đạt 12.841ha. Hơn 10 năm qua, TP. Gia Nghĩa đã xác định ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, TP. Gia Nghĩa cho biết, HTX tận dụng những lợi thế sẵn có của tỉnh là vùng trồng hồ tiêu và cà phê để phát triển.
HTX có 35 thành viên chính thức và thành viên liên kết trồng 70ha cà phê, hồ tiêu. Từ năm 2018 đến nay, HTX đã có sản phẩm hồ tiêu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Hiện nay, HTX có trên 12ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ châu Âu, Mỹ.
Ngoài áp dụng kỹ thuật sản xuất ra sản phẩm hữu cơ, HTX đầu tư kinh phí và được thành phố hỗ trợ trên 2 tỷ đồng xây dựng nhà kho, nhà kính, máy móc sơ chế, chế biến cà phê bột, hồ tiêu hữu cơ.
TP. Gia Nghĩa có 23 HTX nông nghiệp, 7 tổ hợp tác và 23 trang trại sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm chất lượng cao. Thành phố đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nổi bật như chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu giữa HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông và công ty sản xuất gia vị; chuỗi giá trị rau với chợ đầu mối Bình Điền; chuỗi giá trị cà phê giữa các cơ sở sơ chế, chế biến và các HTX, hộ nông dân sản xuất; chuỗi giá trị sầu riêng…
Ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa đánh giá, một trong những lợi thế của người dân ở Gia Nghĩa là có cơ hội tiếp cận tri thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất khá thuận lợi.
Nhiều hộ đã đầu tư nhà lồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng uy tín cho nông sản Gia Nghĩa.
Thành phố đã phê duyệt Đề án phát triển vùng hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại xã Đắk R’moan, với quy mô 300ha; Đề án phát triển vùng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao tại xã Đắk Nia, quy mô 300ha.
Hiện nay, thành phố đang kiểm tra, đánh giá các tiêu chí hình thành vùng sản xuất hồ tiêu tập trung và vùng sản xuất cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp của TP. Gia Nghĩa đạt trên 118 triệu đồng/ha, cao hơn mức trung bình của tỉnh Đắk Nông 15 triệu đồng/ha và tăng 105 triệu đồng so với năm 2004.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, nên năng suất, chất lượng các cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê, điều, cây ăn trái tăng tại Gia Nghĩa đều tăng mạnh.
Hiện nay, diện tích cà phê của TP. Gia Nghĩa là 7.747ha, sản lượng năm 2023 đạt 19.437 tấn. Người dân chú trọng tái canh các vườn cà phê già cỗi, ghép cải tạo và chọn trồng các giống năng suất cao, chất lượng tốt như TR4, TR9, TR11, TRS1, cà phê dây…
Gia Nghĩa hiện có khoảng 1.741ha hồ tiêu, năng suất bình quân đạt khoảng 2,3 tấn/ha, tổng sản lượng 2.786 tấn/năm. Cây điều 640ha, với sản lượng 745 tấn/năm. Cây ăn quả 1.330ha, sản lượng 4.530 tấn/năm.
Những năm gần đây, cây ăn trái của Gia Nghĩa đa dạng, trong đó phát triển mạnh có sầu riêng, bơ, cam, quýt, măng cụt, chanh dây...
Trên địa bàn hình thành các trang trại sản xuất cây ăn trái bài bản, giá trị kinh tế cao như: Trang trại Gia Ân trồng măng cụt tiêu chuẩn GlobalGAP; Trang trại Gia Trung trồng sầu riêng VietGAP...
Ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa cho biết, nhiều nông dân đã chủ động mở ra hướng đi mới như sản xuất dưa lưới, hoa cúc, hoa hồng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định.
TP. Gia Nghĩa có 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch như: siêu thị, bách hóa xanh, các cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP, cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini… giúp nâng cao giá trị và ổn định đầu ra cho nông sản.
Thúc đẩy chế biến sâu
TP. Gia Nghĩa đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó giai đoạn 2016 - 2023, 30 đơn vị, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Gia Nghĩa được hỗ trợ trên 4,8 tỷ đồng. Các đơn vị được TP. Gia Nghĩa và các cấp hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị, tem truy xuất nguồn gốc điện tử…
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông, phường Nghĩa Thành chia sẻ, năm 2018, công ty còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện đầu tư nhiều vốn vào máy móc để chế biến cà phê.
Thời điểm đó, công ty được địa phương hỗ trợ 225 triệu đồng thực sự là động lực lớn để mua máy móc, thiết bị tiên tiến chế biến cà phê, phát triển sản xuất.
Công ty hiện nay không chỉ liên kết với nông dân trồng cà phê chất lượng cao mà còn trồng cacao. Công ty đã xây dựng thành công sản phẩm cà phê bột và bột ca cao đạt OCOP hạng 4 sao.
Chị Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa cho biết, công ty được hỗ trợ máy sấy thăng hoa, máy cắt thanh giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đối với máy sấy thăng hoa đã giúp sấy nhiều loại trái cây từ đó chất lượng sản phẩm rất tốt, bảo quản được lâu. Máy móc giúp chúng tôi nâng cao năng suất sản xuất lên nhiều lần, từ đó mạnh dạn nhận các đơn hàng lớn và mở rộng thị trường.
TP. Gia Nghĩa đặt mục tiêu đến năm 2030, sản xuất nông nghiệp chiếm 97,8% tỷ trọng sản xuất của các ngành; cơ cấu trồng trọt chiếm 69,9%. Do diện tích canh tác không tăng thêm mà đi vào ổn định nên giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn này chỉ tăng bình quân 5,4-5,6%/năm, trong đó trồng trọt tăng 4-4,2%/năm.
UBND TP. Gia Nghĩa đang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với đặc điểm của một đô thị trung tâm, TP. Gia Nghĩa không phát triển diện tích mà tập trung ổn định các loại cây trồng và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cũng theo ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa, thành phố tập trung mở rộng áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, organic để nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững.
Thành phố xây dựng và phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp. Từ nay đến năm 2030, TP. Gia Nghĩa phát triển 3 HTX tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Thành phố xây dựng và hình thành 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 3 vùng trồng trọt gồm hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái.
Gia Nghĩa tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.