Gia Nghĩa làm gì để xứng tầm đô thị hạt nhân?
Phát triển đô thị Gia Nghĩa theo quy hoạch mới đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân. Nhân dịp này, Báo Đắk Nông chia sẻ những ý kiến đóng góp trí tuệ, tâm huyết của nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk để xây dựng thành phố trẻ Gia Nghĩa phát triển.
Phát triển đô thị Gia Nghĩa (Đắk Nông) theo quy hoạch mới đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân. Báo Đắk Nông xin chia sẻ những ý kiến đóng góp trí tuệ, tâm huyết của nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk để xây dựng thành phố trẻ Gia Nghĩa phát triển.
Ngày 31/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1757/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Đắk Nông tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội theo mô hình “Một trung tâm - Ba cực động lực tăng trưởng - Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển”. TP. Gia Nghĩa là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ của Đắk Nông.
TP. Gia Nghĩa là đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam Tây Nguyên, liên kết với vùng Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh. TP. Gia Nghĩa tiếp nhận sự phát triển lan tỏa của vùng, quốc gia thông qua ba cực động lực tăng trưởng, bốn hành lang kinh tế, lan tỏa đến bốn tiểu vùng phát triển.
Gia Nghĩa có vai trò, vị trí quan trọng trong cực động lực tăng trưởng của Đắk Nông. Theo quy hoạch, Gia Nghĩa có vai trò đô thị hạt nhân trung tâm của cực động lực trung tâm hình thành từ chuỗi đô thị Đắk R’lấp - Gia Nghĩa - Quảng Khê.
Hiện nay, Gia Nghĩa đang là đô thị loại III; định hướng đến năm 2025 là đô thị loại III; đến năm 2030 là đô thị loại II.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Phát triển như thế nào để Gia Nghĩa trở thành đô thị hạt nhân trung tâm, xứng tầm, đủ lực, đủ tài, đủ vị trí thu hút từ đó lan tỏa ra trong Đắk Nông và có sức hút mạnh hơn ra ngoài tỉnh mới là vấn đề quan trọng”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng nhận định, nếu được thực hiện quy hoạch tốt thì Gia Nghĩa sẽ trở thành “đầu tàu” kéo sự phát triển của cả tỉnh Đắk Nông lên. Tức là, tiến tới Gia Nghĩa phải có giải pháp để thu ngân sách nhiều nhất, dân số phải cao nhất, là nơi tập trung dân số có trình độ dân trí cao, trí thức nhiều nhất của Đắk Nông...
Gia Nghĩa phải là hạt nhân thu hút nguồn lực. Ví dụ như, Gia Nghĩa phải thu hút các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư và đạt hiệu quả cao. Các trí thức, nhà khoa học, nhà kinh doanh lớn họ phải về đây. Làm được những điều đó chính là Gia Nghĩa đã tạo ra sức hút, trở thành “anh cả” trong các lĩnh vực quan trọng của 7 huyện.
Gia Nghĩa lúc bấy giờ là “ngọn cờ đầu”, “đầu tàu” và là trung tâm của tỉnh. Khi đó, nhìn vào sự phát triển của Gia Nghĩa là người ta thấy được sự phát triển của Đắk Nông. Nếu có điều kiện phát triển tốt hơn, Gia Nghĩa sẽ lan tỏa cho các tỉnh lân cận, đó chính là nguyên tắc lan tỏa đầu tiên.
Thứ 2, Gia Nghĩa phải là một đô thị mà ở đó có hệ thống hạ tầng kỹ thuật tốt và đủ sức để có sức chứa cho vài ba trăm ngàn dân. Về lâu dài phải đến nửa triệu dân.
Thứ 3 là Gia Nghĩa phải xây dựng được các trung tâm giáo dục đào tạo, các phân viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hoặc các nơi chuyển giao công nghệ. Gia Nghĩa phải đầu tư trở thành nơi có những công trình về văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ... hàng đầu.
Gia Nghĩa làm được điều này, trước hết sẽ phục vụ sự phát triển của Đắk Nông và sau đó góp phần cùng các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước phát triển.
Một yếu tố quốc tế nữa đó là Đắk Nông có đường biên giới giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia), một tỉnh nghèo hơn, ít dân hơn Gia Nghĩa. Gia Nghĩa là nơi người dân Mondulkiri sẽ chọn tiếp cận bởi gần hơn so với các tỉnh khác, nếu như Gia Nghĩa thật lớn, thật mạnh, đủ sức hút về mọi mặt.
Theo quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Gia Nghĩa sẽ được đầu tư phát triển mạnh về giao thông.
Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, Đắk Nông sẽ có 2 tuyến đường cao tốc là: Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – Gia Nghĩa (Đắk Nông).
Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia sẽ xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông – Chơn Thành, thuộc tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Về phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh, sẽ đầu tư tuyến đường kết nối TP. Gia Nghĩa và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng).
Đồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông đánh giá: "Giao thông phát triển sẽ là yếu tố thu hút các nguồn nhân lực để đưa đô thị Gia Nghĩa phát triển mạnh mẽ. Giao thông được đầu tư càng sớm thì Gia Nghĩa càng nhanh chóng phát huy vai trò đô thị hạt nhân trung tâm của Đắk Nông".
Đô thị Gia Nghĩa phát triển sẽ là điểm tựa vững chắc, kết nối, hỗ trợ các đô thị khác trong tỉnh phát triển. Lúc bấy giờ, TP. Gia Nghĩa cũng sẽ phát huy vai trò đô thị hạt nhân của tiểu vùng Nam Tây Nguyên, liên kết mạnh mẽ với vùng Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh để cùng phát triển.
Trong câu chuyện của mình, đồng chí Trần Quốc Huy vui mừng: “Tôi đọc thấy quy hoạch này có cái rất hay, đó là sẽ mở con đường kết nối giữa TP. Gia Nghĩa với huyện Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng và nên làm sớm con đường này”.
Đồng chí Trần Quốc Huy phân tích: Từ Gia Nghĩa đi về phía đông, băng qua sông Đồng Nai thượng là gặp ngay phần rìa của huyện Bảo Lâm và Bảo Lộc sát bên. Đất đai vùng này là ruộng rẫy nông thôn cho thấy không có gì vướng mắc lớn.
Nếu mở con đường từ Gia Nghĩa và có cầu bắc ngang qua sông Đồng Nai thượng thì chỉ có mấy chục km và kết nối ngay lập tức với đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.
Đường cao tốc này còn giải quyết được vấn đề đó là con đường ngắn nhất từ Gia Nghĩa ra sân bay quốc tế Long Thành. Thứ 2 đó là từ Gia Nghĩa ra được cụm cảng lớn nhất miền Nam, đó là cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Từ đó hàng hóa vận chuyển đến bến sông Sài Gòn và những cảng khác thuận lợi.
Thứ 3, đường sắt quốc gia cũng nằm ngay tại Đồng Nai, ngay tại Dầu Giây.
Thứ 4, đường bộ cả nước cũng nằm ngay tại trung tâm đường bộ phía Nam này. Như vậy, nếu tuyến đường kết nối giữa TP. Gia Nghĩa với huyện Bảo Lâm sớm triển khai thì 5 phương thức giao thông chính là đường bộ, đường thủy, đường sông, hàng không, đường sắt thì Đắk Nông đều có đủ và hưởng lợi.
Khi đó, Đắk Nông nói chung, Gia Nghĩa nói riêng không chỉ thuận lợi về vận chuyển hàng hóa, đi lại mà đây chính là mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ…
Đồng chí Trần Quốc Huy cho biết: “Đắk Nông được quy hoạch trong điều kiện đặc điểm tỉnh mới tái lập 20 năm. Đắk Nông là một tỉnh nhỏ nên dư địa còn rất cao, không như các tỉnh đã phát triển mấy trăm năm.
Trong bối cảnh đó, bản quy hoạch này có ý nghĩa rất lớn. Đó là, Trung ương giúp cho Đắk Nông ngay từ đầu đã có nền tảng được quy hoạch tổng thể, toàn diện trên nhiều khía cạnh, bằng nhiều kiến thức chuyên sâu. Trung ương chỉ ra những tiềm năng, lợi thế, giải pháp lớn, các khía cạnh phải quan tâm”.
Tuy nhiên, đồng chí Trần Quốc Huy cũng trăn trở: “Đọc bản quy hoạch mới lần này, tôi thấy mê, thấy hay nhưng vấn đề lớn nhất của tỉnh Đắk Nông đó là nguồn nhân lực ở đâu, nguồn vật lực ở đâu, tài lực ở đâu để thực hiện? Tất cả những cái đó đặt ra một vấn đề rất lớn là quy hoạch nhưng cần có giải pháp, bắt đầu từ đâu để giải quyết vấn đề đó”.
Cùng chung trăn trở này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng đánh giá: Với một tỉnh kinh tế, hạ tầng chưa thực sự phát triển, quy hoạch mới này rõ ràng Gia Nghĩa cần sự tác động, hỗ trợ rất mạnh của “ngoại lực".
Nghĩa là, Gia Nghĩa nói riêng, Đắk Nông nói chung rất cần sự hỗ trợ lớn của Trung ương chứ không phải như các tỉnh khác. Các tỉnh khác, Trung ương có thể chỉ tác động rất ít nhưng vẫn phát triển vì họ có “lực”, có nguồn thu rồi. Nhưng Đắk Nông thì rất khác.
Trung ương phải có tác động lớn, thậm chí phải nghĩ đến có những chính sách ưu đãi đặc biệt và đặc thù cho Đắk Nông. Bởi lý do, Đắk Nông là tỉnh ở khu vực Tây Nguyên có biên giới, tỉnh mới hình thành chỉ 20 năm và chưa thực sự phát triển, chưa đuổi kịp mức trung bình chung của cả nước, cho nên cần có những ưu đãi đặc biệt”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng nêu ý kiến.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng tâm tư: “Tôi nghĩ, Trung ương nên đánh giá, xác định và ưu ái đầu tư thật nhiều cho Đắk Nông cả về chủ trương, chính sách, nguồn nhân lực, tài chính, hạ tầng và phải cho một cơ chế đặc biệt để phát triển. Thậm chí, Trung ương nên có nghị quyết đặc thù riêng cho Đắk Nông phát triển thì mới tạo cú hích, tạo sự phát triển cho Đắk Nông nói chung, Gia Nghĩa nói riêng. Ngoài ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông cần chọn Gia Nghĩa làm thí điểm và có chính sách riêng trong thu hút nguồn nhân lực, thu hút đầu tư về các lĩnh vực kinh tế để nhân rộng”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng nhấn mạnh: Khi đã có quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ thì Đắk Nông coi đây như một nghị quyết dài hạn bắt buộc phải thực hiện. Lãnh đạo địa phương phải thấy rõ, thấu hiểu điều đó, đồng tình với quyết tâm cao.
Tức là, Đắk Nông và Gia Nghĩa đã có trong tay một chiến lược phát triển được vạch ra về thứ tự, đường đi, mục tiêu, mục đích, giải pháp… phải lấy đó làm "kim chỉ nam" cho phát triển kinh tế, xã hội.
Nội dung: Thanh Nga
Ảnh: Ngô Minh Phương
Trình bày, đồ họa: Thế Huy - N.Hiền