Gia Nghĩa của tôi!
Tôi yêu thành phố Gia Nghĩa không chỉ bởi nó đẹp, mà yêu cả những điều chưa hoàn hảo ở nơi đây. Tôi yêu cái nắng, cái lạnh, yêu làn da rám nắng trên mảnh đất cao nguyên…
Sáng nay nắng tươi, từng giọt vàng óng ả vắt vẻo trên những hàng cây bên đường, những đám mây trắng xóa lững lờ trôi trên nền trời xanh ngắt, hoa phượng nở từng chùm vàng óng khi tôi đi ngang qua, thơm ngát. Tôi chậm rãi chạy xe, đôi lúc dừng lại hẳn, để thưởng thức thực tại, một thực tại thật tinh khôi và nhiệm màu biết mấy. Dường như đối với Gia Nghĩa, tình yêu thương vô điều kiện của tôi luôn sẵn sàng có ở đó mà chẳng mất công nuôi dưỡng.
“… về Gia Nghĩa. Nơi đợi chờ bao hẹn hò những yêu thương.
Về đây chung tay góp sức hát khúc hát xây đời
Dệt tương lai mơ ước cho ngày mai ngày mai
Mùa thu trên cao nguyên nơi phố thị hoa vàng
Cà phê đơm hương say đêm dịu hiền thánh thót
Lặng nghe cung đàn mưa ngân vang gọi gió…”
Nghe câu hát ấy mà thấy thương, thấy một nỗi niềm êm ái, lâu dần tôi cũng hiểu vì sao Gia Nghĩa luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong lòng các nhạc sĩ. Bởi vì chỉ cần đủ yêu, đủ thương, đủ gắn bó và tha thiết thì nơi ấy sẽ chiếm một vị trí rất đỗi dịu dàng trong trái tim. Gia Nghĩa tuy nhỏ nhưng tình yêu thương lại quá rộng lớn, dù trong lòng vẫn còn những khoảng trống, những hoang hoải ùa về mơn man như gió thu. Nhưng tất cả đều đẹp đẽ đi cùng nhau theo sự nhận biết cảm xúc rõ rệt bên trong.
Ngang qua cầu Đắk Nông, cây cầu oằn mình theo năm tháng, cõng qua cầu bao kiếp người tới lui. Bao nhiêu lần đi ngang qua đây, là bấy nhiêu lần tôi thấy lòng mình nhẹ bẫng, mát lành và tinh khôi. Theo gió nhè nhẹ thổi, tận hưởng một Gia Nghĩa đẹp giản dị mà quá đỗi yêu kiều, qua bao thăng trầm vẫn vững vàng êm ấm. Di chuyển lên Nhà triển lãm âm thanh, đây là điểm đến số 31 trong tổng số 41 điểm đến thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Được xây dựng năm 2019 và lấy cảm hứng từ những âm thanh quen thuộc của con người, cuộc sống, thiên nhiên Đắk Nông (như âm thanh từ các nhạc cụ dân gian truyền thống bằng đá, gỗ, tre, lồ ô; âm điệu của giọng nói, lời ca của hơn 40 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh; tiếng gió reo, thác đổ, tiếng cỏ cây hoa lá và âm thanh rộn rã của nhịp sống hiện đại…) cho đến sự vận động của vũ trụ, của các yếu tố ngũ hành… Tại đây, thông qua sự tương tác âm thanh giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên... ta được thưởng thức âm thanh từ bộ đàn đá, âm thanh từ hơi thở, nước, cây, lửa, ánh sáng và con người. Những âm thanh này tập hợp lại, tạo nên một cuộc triển lãm kỳ lạ và độc nhất vô nhị tại đây.
Rời Nhà triển lãm âm thanh, lang thang trên những nẻo đường Gia Nghĩa, tôi lại nhớ về Gia Nghĩa của thuở dại khờ, Gia Nghĩa của những năm trước khi tái lập. Gia Nghĩa ngày đó chưa mọc lên nhiều nhà cao tầng, chưa nhộn nhịp đông đúc kẻ qua, người lại. Gia Nghĩa của mái ngói thâm nâu nằm im lìm nghe thời gian lặng lẽ trôi. Gia Nghĩa của ngày dân cư thưa thớt, đường xá bám đầy bụi đất đỏ. Gia Nghĩa của những hàng cây che mát cả con đường, những lá phượng non khe khẽ cựa mình xanh mơn mởn sau những đêm mưa xuân lất phất bay.
Trong khoảnh khắc tuyệt đẹp của vạt nắng cuối chiều buông, tôi chợt nhận ra tôi ở đây và Gia Nghĩa cũng ở đây. Tôi của ngày xưa, đang có mặt trong tôi của bây giờ và Gia Nghĩa cũng vậy. Giờ đây, Gia Nghĩa không chỉ khoác lên mình màu áo mới mà còn chuyển mình tươi mới và hiện đại hơn. Trong lòng Gia Nghĩa hiện đại vẫn mang dáng dấp và linh hồn Gia Nghĩa năm xưa, bao kiếp người qua, bao kiếp người tới. Trong dòng chảy bất tận của thời gian, tôi và Gia Nghĩa đều lớn lên, đều khắc khoải trong tim bao ký ức ngọt ngào, vụng dại.
Mảnh đất Gia Nghĩa đã chở che, nuôi dưỡng đưa tôi qua những năm tháng cả êm đềm lẫn bão tố về bất chợt. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình lại yêu thành phố này nhiều đến thế, nhưng tôi đã nhầm, trái tim con người có sức chứa kinh khủng, chỉ cần rộng lượng là có thể ôm tất cả. Tôi yêu thành phố Gia Nghĩa không chỉ bởi nó đẹp, mà yêu cả những điều chưa hoàn hảo ở nơi đây. Tôi yêu cái nắng, cái lạnh, yêu làn da rám nắng trên mảnh đất cao nguyên,…
Yêu chỉ là yêu, kể sao cho hết bây giờ?