Ông K'Ten bên cây cổ thụ ở núi Voi |
Rừng là sinh mệnh
Già làng K’Ten là người K’Ho, ngụ ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Mặc dù đã 66 tuổi và thương binh 4/4 với vết thương còn hằn trên bắp chân, nhưng già vẫn khá rắn rỏi, nhanh nhẹn.
Hằng ngày, từ tờ mờ sáng, ông đã khăn gói đi tuần tra rừng, đến khi mặt trời khuất núi mới trở về nhà. Mỗi khi thoáng nghe tiếng cưa máy, bất chấp đêm đông giá buốt, già chạy đến tận nơi để đẩy đuổi lâm tặc. Cũng không ít lần già bỏ dở bữa cơm để lần theo dấu chân kẻ phá rừng.
Khu rừng mà già nhận canh giữ rộng tới 32 ha trên núi Voi, thuộc các tiểu khu 268 và 277A ở xã Hiệp An. Vùng rừng nguyên sinh này luôn bị lâm tặc dòm ngó, lăm le xâm hại bởi có quần thể cây du sam quý hiếm và 57 cây thông đỏ cổ thụ.
Sau khi tìm mọi cách cưa trộm cây quý không được, lâm tặc nhiều lần toan mua chuộc già K’Ten bằng của cải, tiền bạc nhưng đều thất bại. Chúng bèn quay ra uy hiếp, đe dọa, khủng bố tinh thần già làng và người thân.
Người thân của già K’Ten không khỏi lo lắng, khuyên nên bỏ việc, nhưng già vẫn không rời xa khu rừng. Già bảo đó là chốn thiêng liêng phải gìn giữ như chính sinh mệnh của mình. Người K’Ho thường xem khu rừng già ở đầu nguồn con nước là rừng của Yàng (thần), bất khả xâm phạm. Và núi Voi là cánh rừng như thế.
Vốn yêu rừng và không thích cuộc sống an nhàn nên dù gia đình có ngôi nhà khang trang cạnh quốc lộ 20, già K’Ten vẫn dựng chòi để canh giữ rừng Yàng, bảo vệ cây quý. Bà Ka Khuy cũng đành theo chồng đến sống hàng chục năm trong căn chòi ở bìa rừng.
Chòi đã hai lần bị kẻ xấu đốt nhưng già không nản lòng, lặng lẽ nhặt nhạnh những miếng ván bìa trong rừng để dựng lại. Đến khi bà Ka Khuy mất, già vẫn ở đó canh giữ rừng Yàng.
“Rừng cho người K’Ho mọi thứ, cho con thú có chỗ để ở, con chim có cành để đậu..., do đó phải bảo vệ rừng cho con cháu mai sau”, già tâm sự.
Già làng sống trong căn chòi đơn sơ |
Trả ơn rừng
Trả lời câu hỏi “lâm tặc ngày càng manh động, già không sợ sao?”, ông K’Ten cười bảo: Có công an, kiểm lâm, ban quản lý rừng và đồng nghiệp hỗ trợ thì sợ gì? Mình làm việc đúng, còn nó làm bậy thì nó mới phải sợ mình chứ.
Ông K’Bríu, từng là đồng đội với già K’Ten thời đánh fulro chia sẻ: Ông ấy mưu trí và gan dạ lắm. “Chừng nào ông ấy còn ở đây để giữ rừng thì cứ yên tâm”, K’Bríu quả quyết.
Những người sống gần núi Voi cho biết, trước đây, nhiều cây thông đỏ cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ để lấy gỗ, thế nhưng kể từ ngày ông K’Ten nhận khoán, bảo vệ rừng, lâm tặc không còn lộng hành nữa.
Theo lời của già K’Ten, lúc đầu chưa biết núi Voi có nhiều cây quý, chỉ nghĩ rằng rừng thiêng đã che chở cho mình, đồng đội và cả dân làng nữa nên phải ra sức bảo vệ để trả ơn rừng.
Sau này, khi nhận khoán bảo vệ rừng, già K’Ten mới biết những cây cổ thụ 5- 6 người ôm không xuể trên núi Voi có tên là thông đỏ. Cách đây mấy năm, già từng dẫn đoàn công tác gồm nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đến khảo sát, đánh giá quần thể thông đỏ trong khu vực.
Sau khi dùng các thiết bị hiện đại để đo độ tuổi, đoàn phấn khởi tuyên bố trong quần thể gồm hàng trăm cây thông đỏ này, có cây khoảng 2.500 năm tuổi. Cây cao hơn 30m, thân thẳng tắp, đường kính gốc gần 3m, rễ to lớn nổi lên mặt đất.
Từ năm 2009, để siết chặt công tác quản lý và bảo vệ quần thể thông đỏ, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tiến hành gắn chíp và đóng số những cây trưởng thành. Tuy nhiên, già K’Ten thông thuộc khu rừng này đến mức không cần máy định vị vẫn có thể tìm đúng vị trí từng cây thông đỏ hoặc du sam.
“Mấy năm trước, 4 cây thông đỏ ở núi Voi bị bệnh, ngã đổ, buồn lắm”, già K’Ten nói, giọng tiếc rẻ.