Gia Lai: Vườn nấm linh chi đỏ dưới tán rừng cho doanh thu 2,4 tỷ đồng/ha

Khánh Ngân| 25/08/2023 15:07

Tại tỉnh Gia Lai đang triển khai mô hình vườn nấm linh chi dưới tán rừng, mỗi ha cho doanh thu khoảng 2,4 tỷ đồng. Nấm linh chi có giá trị cao được thị trường ưa chuộng đây là hướng đi mới kỳ vọng sẽ mở hướng làm giàu cho người dân Tây Nguyên.

Cây nấm linh chi đỏ phát triển tốt dưới tán rừng.
Cây nấm linh chi đỏ phát triển tốt dưới tán rừng.

Nấm lên nhiều, giá trị cao thu tiền tỷ mỗi ha

Dưới những cánh rừng keo, tràm nhờ những cơn mưa nặng hạt giúp cho vườn nấm linh chi càng thêm ẩm thấp, tỏa hơi lạnh giúp nấm linh chi đỏ vươn lên. Anh Đào Minh Trí, người dân TP Pleiku cho biết, nấm linh chi đỏ đang được các nhà đầu tư “phố núi” kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế dưới tán rừng. Đây là hướng đi mới mẻ khi giá của nhiều loại cây nông sản chủ lực ở Tây Nguyên chưa mang lại lợi nhuận tương xứng.

Nấm linh chi đỏ có tác dụng tốt cho sức khỏe, phòng chống bệnh tật, được thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên, để đầu tư trồng loại dược liệu này khá tốn kém, cần nguồn vốn lớn. Trung bình một ha đất dưới tán rừng phải đầu tư tiền phôi giống, hệ thống tưới, công chăm sóc khoảng 1,4 tỉ đồng/ha.

Nấm linh chi đỏ phù hợp trồng dưới tán rừng keo ẩm thấp, không khí trong lành, nước sạch, người trồng nấm theo hướng hữu cơ, không dùng phân bón. Do rừng keo nằm nơi ít người qua lại, vắng vẻ nên người dân cũng lo ngại bị mất trộm nấm.

“Mới đây, trộm vào vườn nấm tìm chọn bẻ hái những cây nấm trưởng thành. Mình phải thuê người canh giữ vườn nấm cả ngày lẫn đêm, có thể lắp thêm camera để theo dõi”, anh Trí cho biết.

Vườn nấm linh chi dưới tán rừng sẽ mang lại lợi nhuận cho người dân miền núi.
Vườn nấm linh chi dưới tán rừng sẽ mang lại lợi nhuận cho người dân miền núi.

Tính trung bình diện tích 1ha, nấm linh chi đỏ thu hoạch được 3 lần/năm, vụ đầu bán ra thu về khoảng 800 triệu đồng, vụ thứ 2 giá 900 triệu đồng, vụ thứ 3 giá 700 triệu đồng. Tùy theo tính dược liệu có trong nấm để chọn giá bán phù hợp.

Khu vực núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai) đang được ví là “thủ phủ” trồng nấm linh chi đỏ. Kể về cơ duyên mang loại nấm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên về trồng, ông Nguyễn Công Hiệu - Giám đốc Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai-cho biết: Khu vực rừng Kbang, Mang Yang có rất nhiều nấm linh chi. Hàng năm, người dân thường vào rừng hái nấm linh chi về bán cho thương lái vì loại nấm này có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Hiện 1 kg bào tử nấm linh chi đỏ có giá 70-80 triệu đồng.

"Có điều là, thường những cây nấm được bà con thu hái trong rừng bán ra thị trường không còn bào tử do thu hoạch, bảo quản không đúng cách hoặc bị thu hoạch bào tử trước đó. Còn việc trồng nấm trên giá thể thì ở nước ta áp dụng thành công từ lâu. Riêng việc trồng nấm dưới tán rừng còn khá mới mẻ. Và tôi đã áp dụng thành công sau nhiều năm mày mò nghiên cứu trồng thử nghiệm” ông Hiệu nói.

Anh Hiệu tiên phong trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo ở Gia Lai.
Ông Hiệu tiên phong trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo ở Gia Lai.

Theo ông Hiệu cho biết, trước đây, ông thử nghiệm trồng linh chi đỏ dưới tán cây bơ, sầu riêng và một số loại cây khác nhưng không thành công. Mãi đến năm 2017, ông mang phôi trồng thử nghiệm dưới tán rừng keo và đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Sau khi nhận chuyển nhượng lại 40 ha keo lai, ông phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ trồng đại trà.

Phôi nấm linh chi sinh trưởng tốt dưới tán rừng keo, đem lại giá trị kinh tế cao. Cứ 1.000 phôi nấm có giá 60 triệu đồng, sau 3 tháng trồng cho thu hoạch khoảng 120 kg nấm, bán với giá 1 triệu đồng/kg. Mỗi phôi sẽ thu hoạch được 3 lần/năm. Hiện nay, Công ty cũng đã trồng thành công ở một khu rừng tự nhiên tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ.

"Năm 2022, chúng tôi thu 3 tỷ đồng từ trồng nấm linh chi dưới tán rừng. Riêng từ đầu năm đến nay, Công ty có nguồn thu hơn 3,5 tỷ đồng với các dòng sản phẩm như: nấm linh chi thô, trà nấm linh chi, cà phê nấm linh chi, mật ong ngâm nấm linh chi. Đây là những sản phẩm sạch nên được thị trường ưa chuộng” ông Hiệu tự hào cho biết thêm.

Nỗ lực liên kết nhân rộng vườn nấm linh chi

Tại huyện Kbang, nơi có độ che phủ rừng lớn trong khu vực Tây Nguyên hiện nay, chính quyền các xã, hợp tác xã nông nghiệp, người dân… đang tìm đến các vườn nấm linh chi đỏ dưới tán rừng để học hỏi mô hình, tìm hướng đi mới thoát nghèo.

Tuy nhiên, theo UBND huyện Kbang, nguồn lực, kỹ thuật, nguồn vốn của người nông dân còn thấp, không còn cách nào khác ngoài việc liên kết trồng nấm linh chi đỏ với các doanh nghiệp, hợp tác xã và phải được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Người dân có đất, có rừng, có cây keo, chỉ cần liên kết để trồng thêm nấm dưới tán rừng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

“1ha cây keo bán đi, người nông dân bỏ túi chừng 60 triệu đồng/năm. Còn trồng nấm linh chi đỏ, với giá thành hiện tại (3-4 triệu đồng/kg nấm khô), mỗi năm người dân thu lời hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường”, anh Đào Minh Trí chia sẻ.

Nấm linh chi đỏ sinh sôi dưới tán rừng keo ở núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh).
Nấm linh chi đỏ sinh sôi dưới tán rừng keo ở núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh).

Hiện nay, các doanh nghiệp ở tỉnh Gia Lai đang xuất khẩu nông sản cà phê, hồ tiêu, chè… ra thị trường các nước liên minh Châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Dược liệu ở Gia Lai cũng đa dạng như: cà gai leo, sâm dây, đinh lăng…

Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đang nghiên cứu, nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi đỏ.

Nếu thành công với cây nấm linh chi đỏ, mở rộng liên kết, người nông dân có cơ hội để mang dược liệu đi xuất khẩu ra các thị trường, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân Tây Nguyên vừa bảo vệ được rừng và đa dạng sinh học dưới tán rừng.

Về phía Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai, từ hiệu quả kinh tế bước đầu sẽ càng tiếp thêm động lực để mở rộng sản xuất. Công ty cùng đơn vị liên kết là HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ đã tự sản xuất được phôi nấm cung cấp cho thị trường với giá bán 40-60 ngàn đồng/phôi. Hiện nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ triển khai trồng nấm linh chi ở tỉnh Đak Lak, còn Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai đã khảo sát để trồng ở Kon Tum, Quảng Trị và một số huyện trong tỉnh. Điều kiện đặt ra là những địa điểm trồng phải phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của nấm linh chi đỏ với độ che phủ rừng 80% trở lên, nhiệt độ không khí 15-20 độ C.

“Chi phí đầu tư ban đầu để trồng nấm linh chi đỏ khoảng 1 tỷ đồng/ha. Nhưng nhu cầu thị trường lớn, lợi nhuận cao và tiềm năng trồng dược liệu dưới tán rừng ở nước ta rất lớn nên chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích. Chúng tôi đang làm việc với cơ quan chức năng để trồng nấm linh chi đỏ tại huyện Kông Chro, Đức Cơ và đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên ở Kbang, Mang Yang. Về cơ bản, các địa phương đều ủng hộ bởi việc này sẽ tạo sinh kế cho người dân và góp phần giữ rừng”-ông Hiệu chia sẻ thêm.

Theo ông Phan Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã Ia Ka-cho biết: “Doanh nghiệp và HTX trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trên địa bàn xã đã tạo việc làm, thu nhập cho bà con, nhất là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi cũng đã làm việc với HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ để tới đây liên kết với người dân làng Mrông Ngó 3, Mrông Ngó 4 trồng, bao tiêu sản phẩm nấm linh chi đỏ. Nhiều hộ dân cũng có ý định trồng loại nấm này để tăng thu nhập cho gia đình. Tuy vậy, giá bán phôi nấm còn ở mức cao. Xã cũng đang khảo sát xem có đơn vị cung ứng phôi giá rẻ, đảm bảo chất lượng để giúp người dân trồng nấm linh chi có cuộc sống ổn định hơn”./.

Theo thuonghieusanpham.vn
https://thuonghieusanpham.vn/vuon-nam-linh-chi-do-duoi-tan-rung-nam-len-tua-tua-moi-nam-hai-3-lan-thu-24-ty-dongha-61683.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Vườn nấm linh chi đỏ dưới tán rừng cho doanh thu 2,4 tỷ đồng/ha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO