Gia Lai: Phòng ngừa, đấu tranh với nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Anh Quân - Thúy Trinh - Lê Dũng| 09/05/2025 17:10

Chỉ tính năm 2024 và quý I năm 2025, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 125 tin báo tố giác của công dân trên địa bàn tỉnh, tố giác bị các đối tượng sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 55 tỷ đồng. Riêng trong quý I năm 2025, số tiền người dân bị lừa đảo là hơn 15 tỷ đồng.

Xác thực khuôn mặt qua Zalo, mất 126 triệu đồng trong tài khoản

Theo trình báo của ông R.C.R, trú tại xã Ia Kênh, TP. Pleiku, Gia Lai, ngày 22/4/2025, 1 người tự xưng là nhân viên điện lực liên hệ, hướng dẫn ông R. tải ứng dụng “Epoint” để liên kết thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng, tránh chậm trễ dẫn đến bị cắt điện. Tưởng thật, ông R. tải ứng dụng này và cung cấp thông tin ngân hàng của con gái mình. Tiếp đó, đối tượng gửi mã QR qua tài khoản Zalo của con gái ông R. để quét và gọi video, hướng dẫn con gái ông R. áp sát khuôn mặt vào camera xác thực. Khi kiểm tra lại tài khoản ngân hàng, toàn bộ số tiền hơn 126 triệu đồng trong tài khoản của con gái ông đã bị rút sạch.

Ông T. buồn bã kể: “Tôi không có tài khoản ngân hàng nên thường gửi tiền cho con gái giữ hộ trên ngân hàng điện tử. Tôi mới bán cà phê, tính dành dụm chi tiêu hàng ngày, ai ngờ bị lừa mất, tôi và con buồn lắm.

Một nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đến trình báo tại Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh.


Chỉ mong Công an sớm bắt được kẻ lừa đảo để những người khác không bị chiếm đoạt tài sản như tôi”.    

Qua phân tích của Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, 70% nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công nghệ cao là phụ nữ; 66% các vụ việc xảy ra tại địa bàn TP. Pleiku; trên 90% bị hại bị dẫn dụ thông qua mạng xã hội facebook; tài khoản ngân hàng các đối tượng nhận tiền chiếm đoạt của bị hại có đến 80% là tài khoản đứng tên công ty, doanh nghiệp.

Do thường xuyên đặt hàng và thanh toán online, mới đây, một người phụ nữ ở TP. Pleiku bị đối tượng giả danh shipper lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 161 triệu đồng. Nạn nhân kể lại: “Lần đó tôi chuyển tiền thì shipper nhắn tin nói tôi đã chuyển tiền nhầm số tài khoản và gửi cho tôi một link facebook có tên “Bưu điện Việt Nam”. Tôi nhắn tin cho trang facebook đấy thì họ gửi thêm một đường link khác và gọi điện cho tôi hướng dẫn để lấy lại tiền. Sau khi chuyển tiền xong thì bên đó lại bảo là  sai cú pháp, tôi chuyển lại nhiều lần, lúc biết bị lừa thì đã mất tiền rồi”.    

Đấu tranh ngăn chặn hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Ngoài các thủ đoạn kể trên, hiện nay, tội phạm sử dụng hàng loạt phương thức hết sức tinh vi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như: giả danh cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước; nhân viên ngân hàng v.v... chiếm quyền sử dụng của tài khoản facebook để hỏi mượn tiền; chạy quảng cáo dẫn dụ nạn nhân tham gia đầu tư vào các sàn vàng, sàn chứng khoán, tiền ảo; lừa tình trên mạng xã hội…

Các đối tượng hầu hết ở nước ngoài như Campuchia, Philippines, Myanmar… Sau khi lừa được tiền của bị hại, các đối tượng sẽ nhanh chóng sử dụng nhiều tài khoản của các ngân hàng khác nhau để luân chuyển dòng tiền. Đặc biệt, nhiều tổ chức lừa đảo còn mở các công ty “ma”, sau đó mở tài khoản của doanh nghiệp để nhận số tiền của bị hại nhằm tránh phải nhận diện sinh trắc học. Chính vì vậy, việc điều tra, thu hồi số tiền của người dân bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối với lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Quyết tâm ngăn chặn hành vi lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; trong năm 2024 và Quý I năm 2025, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh kịp thời phong tỏa tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng trong tài khoản của các đối tượng lừa đảo, ngăn chặn kịp thời người dân không chuyển tiền cho các đối tượng phạm tội.

Thiếu tá Phạm Ngọc Hùng - cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: “Chúng tôi cũng đã phối hợp với các ngân hàng lưu ý nhân viên phát hiện người dân khi đến rút tiền, chuyển tiền có tâm lý hoang mang, lo sợ hoặc chuyển tiền nhiều, số tiền lớn thì kịp thời trì hoãn, liên hệ với cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để kịp thời ngăn chặn các vụ lừa đảo có thể xảy ra…”

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công nghệ cao do người nước ngoài cầm đầu bị Công an tỉnh Gia Lai phát hiện, bắt giữ.


Trong thời gian trên, đơn vị đã phối hợp điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội, khởi tố 22 vụ, chuyển các đơn vị chức năng điều tra theo thẩm quyền. Mới đây, đơn vị chủ trì xác lập, làm rõ đường dây do đối tượng người nước ngoài cầm đầu cấu kết với các đối tượng trong nước thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền khoảng 80 tỷ đồng của nhiều bị hại tại Việt Nam, trong đó có 1 nạn nhân tại tỉnh Gia Lai bị chiếm đoạt số tiền 18,1 tỷ đồng. Hiện cơ quan Công an đã kết thúc điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố 5 bị can về các tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác.        

Thượng tá Đinh Văn Sơn - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cảnh báo: “Để tránh bị các đối tượng tiếp cận, lợi dụng để lừa đảo, chúng tôi đề nghị người dân tuyệt đối không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của mình và người thân cho người lạ; bình tĩnh khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là cán bộ Công an, kiểm soát viên…, không làm theo yêu cầu của các đối tượng, liên hệ với cán bộ Công an phường, xã để được tư vấn; không kết bạn và trao đổi thông tin với người lạ mà chưa xác định được danh tính; không nhận lời mời tham gia vào các hội nhóm mà không rõ tôn chỉ, mục đích; không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hay mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc, v.v… Khi tương tác trên môi trường mạng, người dân cần trang bị cho mình các kỹ năng nhận biết, phát hiện, phòng tránh, xử lý và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, những “bẫy lừa” trên không gian mạng.

Theo bocongan.gov.vn
https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/gia-lai-phong-ngua-dau-tranh-voi-nan-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tren-khong-gian-mang-d22-t44963.html
Copy Link
https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-an-ninh-trat-tu/gia-lai-phong-ngua-dau-tranh-voi-nan-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tren-khong-gian-mang-d22-t44963.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Gia Lai: Phòng ngừa, đấu tranh với nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO