Gia Lai: Nâng cao vị thế cán bộ nữ

PV| 14/09/2023 10:03

Tại Gia Lai, tỷ lệ nữ giới tham gia quản lý nhà nước tăng lên từng năm, trong đó có nhiều nữ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể và khối doanh nghiệp tỉnh. Đây là minh chứng cho nỗ lực của cấp ủy và chính quyền các cấp trong việc dần xóa bỏ khoảng cách về giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong tình hình mới.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) đều là những nữ cán bộ thuộc thế hệ 8X. Chị Nguyễn Vũ Hoàng Yên (SN 1987)-Chủ tịch UBND xã đã có 2 nhiệm kỳ phấn đấu trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã. Còn Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Bích Huệ (SN 1982) trưởng thành từ Bí thư Đoàn, Phó Chủ tịch HĐND xã.

Cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở tham gia lớp tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Ảnh: M.C ảnh 1
Cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở tham gia lớp tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Ảnh: M.C

Nếu chị Yên là nữ cán bộ được tăng cường từ nơi khác về thì chị Huệ lại trưởng thành từ vùng đất có trên 95% người gốc Quảng Nam sinh sống. Dẫu vậy, điểm chung của những “đầu tàu” ở cơ sở chính là sự năng nổ, nhiệt tình. Với chất giọng đặc sệt xứ Quảng, chị Yên chia sẻ: “Tôi được tăng cường từ nơi khác về nên lấy việc gần dân, bám sát dân là kim chỉ nam để hiểu về cuộc sống người dân ở cơ sở.

Còn chị Huệ thuận lợi hơn vì “ăn cơm gạo Nam Yang, uống nước nguồn Nam Yang”. Đều là cán bộ nữ nên chúng tôi hiểu những khó khăn của nhau để luôn đồng hành, giúp đỡ nhau trong công việc. Bên cạnh đó, là nữ giới nên chúng tôi cũng có những thế mạnh riêng để phát huy trong công việc, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Sự năng nổ, trách nhiệm của những nữ cán bộ trẻ đã góp phần đưa Nam Yang trở thành địa phương có kinh tế-xã hội phát triển mạnh của huyện Đak Đoa. Tỷ lệ hộ nghèo của xã thấp nhất huyện với 0,1% và xã đang hướng đến mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

Tại Gia Lai, đội ngũ nữ cán bộ người dân tộc thiểu số cũng ngày càng khẳng định vị thế ở nhiều vị trí công tác. Là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa, chị Huỳnh Thị Ngọc Lan (SN 1983, dân tộc Thái) có nhiều đóng góp cho sự phát triển của huyện nghèo. Những mô hình đặc thù do Hội LHPN huyện triển khai đã góp phần giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, thu hút, tập hợp phụ nữ hiệu quả. Nữ cán bộ dân tộc Thái đã không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ để phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ công tác. Chị là Thạc sĩ Kinh tế và là 1 trong 4 ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh (39 người) có trình độ này.

Ở vùng đất giàu trầm tích văn hóa Kông Chro, nữ cán bộ hội người Bahnar Đinh Thị Toại-Chủ tịch Hội LHPN huyện đã triển khai nhiều mô hình đặc thù để phát huy vai trò của phụ nữ trong giữ gìn bản sắc. Đến nay, huyện thành lập 23 đội chiêng nữ, các làng Bahnar đều có tổ dệt thổ cẩm, tổ làm men rượu cần truyền thống… Nữ cán bộ hội người Bahnar luôn đồng hành với cơ sở trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đẩy lùi tập tục lạc hậu, khôi phục nghề truyền thống...

Để hoàn thành tốt thiên chức của người phụ nữ trong gia đình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và xã hội giao phó, những nữ cán bộ đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi rào cản để vươn lên. Vì vậy, sự đóng góp của các chị được ghi nhận trên nhiều lĩnh vực và ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội hiện đại.

Tiếp tục tạo nguồn cán bộ nữ chất lượng cao

Những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong công tác phụ nữ của cả hệ thống chính trị có sự thay đổi tích cực, tạo điều kiện cho phụ nữ có nhiều cơ hội phát triển. Tỷ lệ nữ tham gia quản lý nhà nước tăng lên qua từng năm, trong đó có nhiều nữ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và khối doanh nghiệp tỉnh. Đây là minh chứng cho nỗ lực của cấp ủy và chính quyền các cấp trong việc dần xóa bỏ khoảng cách về giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong tình hình mới.

Chị Đinh Thị Toại (thứ 4 từ trái qua) là nữ cán bộ hội người Bahnar, có nhiều đóng góp, khích lệ sự tham gia của phụ nữ vào bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Ảnh: Minh Châu ảnh 2
Chị Đinh Thị Toại (thứ 4 từ trái qua) là nữ cán bộ hội người Bahnar, có nhiều đóng góp, khích lệ sự tham gia của phụ nữ vào bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Ảnh: Minh Châu

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 cấp tỉnh có 8/53 người (chiếm 15,09%); cấp huyện có 119/597 người (chiếm 19,93%); cấp xã có 739/2.662 người (chiếm 27,76%). Có 3/8 đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV là nữ, chiếm 37,5%. Nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 cấp tỉnh có 22/71 người (chiếm 30,9%); cấp huyện có 161/571 người (chiếm 28,2%); cấp xã có 1.423/4.997 người (chiếm 28,48%).

Hội LHPN tỉnh đã có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện có hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ. Bà Rơ Chăm HHồng-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho biết: Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, nhận thức về công tác cán bộ nữ đã thay đổi rõ rệt.

Đội ngũ cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao. Bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đạt được những kết quả tích cực.

Từ những yêu cầu đặt ra, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nêu 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Đó là các cấp Hội tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW và các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác phụ nữ.

Tham mưu giúp cấp ủy cùng cấp chỉ đạo, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, tạo nguồn cán bộ nữ chất lượng cao; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ trong các khâu công tác cán bộ, nhất là quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm. Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Hội LHPN và UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội tham gia quản lý nhà nước.

Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ vào tổ chức, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, nhất là chú trọng nguồn lực thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2025.

Theo gialai.gov.vn
https://gialai.gov.vn/tin-tuc/nang-cao-vi-the-can-bo-nu.77403.aspx
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Nâng cao vị thế cán bộ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO