Theo thống kê tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai, trung bình 1 ngày bệnh viện khám trên 100 bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt; trong đó hơn 50% là bệnh đau mắt đỏ.
Tương tự, tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku, trong tháng 8/2023, số ca đau mắt đỏ đến khám rải rác đầu tháng và tăng dần từ cuối tháng 8 đến nay. Hiện nay, trung bình 1 ngày đơn vị tiếp nhận gần 100 ca đau mắt đỏ đến khám và điều trị.
Hiện bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh và nguy cơ lây lan nhất là trong các trường học. Trong đó, cao diểm của dịch bắt đầu từ đầu tháng 9 và tăng cao sau ngày khai giảng năm học mới. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cũng đề nghị các bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã thành phố tăng cường tuyên truyền, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng; các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn huyện cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị. Thông báo kịp thời cho các đơn vị có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai, cho biết: Người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi phát hiện bất thường như mắt đỏ, đau nhức cộm… để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những phương pháp dân gian như xông nước thuốc, nhỏ chanh, đắp lá nha đam hay đắp lá trầu không… để điều trị đau mắt đỏ có thể khiến mắt sưng phù, bỏng, người bệnh tuyệt đối không sử dụng những phương pháp trên.
Cũng theo bác sĩ Phượng, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ Để phòng tránh bệnh và lây bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, hàng ngày người dân nên nhỏ nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) để rửa mắt sau khi đi ngoài đường hoặc đi bơi về; hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Tại trường học, cơ quan, gia đình..., cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay; cách ly người bệnh, dùng riêng các dụng cụ như khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối…