Ông Trần Văn Thắng thôn 8, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) vẫn duy trì nuôi heo nhưng mức độ vừa phải |
Tín hiệu tốt nhưng chưa vội mừng
Việc giá heo tăng đã đem lại niềm vui cho hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đón nhận niềm vui này nhiều người vẫn chưa thực sự an tâm về tính bền vững của đà tăng giá.
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, chủ hộ nuôi heo lâu năm tại thôn 3, xã Đắk Ha (Đắk Glong) thì thời gian gần đây, thương lái liên tục gọi điện thu mua heo. Do đàn heo của gia đình đến độ xuất bán còn ít nên nhiều thương lái còn nhờ ông giới thiệu các trại lớn còn heo tồn để thu mua. Dù vậy, ông Hiệp vẫn hoài nghi và đặt câu hỏi liệu sự tăng giá nhanh như thế này liệu có bền vững?
Tại Đắk R’lấp, địa phương đứng tốp đầu của tỉnh về tổng đàn heo những năm gần đây cũng ghi nhận sự tăng giá mạnh. Từ ngày 15/7 đến nay, giá heo hơi loại 1 (từ 90 - 110 kg/con) xuất bán tăng dao động từ 32.000 đồng/kg - 36.000 đồng/kg, thậm chí có lúc chạm ngưỡng 42.000 đồng/kg, tăng 9.000 đồng/kg đến trên dưới 15.000 đồng/kg so với trước đó. Đây là lần tăng giá nhanh và cao nhất trong 7 tháng trở lại đây.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc HTX Đồng Tiến, thôn 5, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) cho biết: “Thực tế heo hơi tăng cũng đã góp phần làm cho việc tiêu thụ heo hơi, heo giống của HTX dễ dàng hơn. Các thị trường tiêu thụ heo truyền thống của đơn vị như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng rất "hút" hàng trong vòng tháng nay, giá bán cũng nhỉnh hơn chút đỉnh”.
Còn theo ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT) tỉnh thì đây là điều đương nhiên sẽ xảy ra. Bởi từ cuối năm 2016, đầu năm 2017 đến nay, khi giá heo xuất chuồng giảm thì không ít hộ đã dừng nuôi, nhất là hộ có quy mô đàn dao động ở mức 20 - 30 con. Cùng với đó, nhiều trang trại cũng nuôi cầm chừng. Điều này đã làm cho tổng đàn heo 6 tháng đầu năm nay của tỉnh chỉ đạt 51% so với kế hoạch, tương đương 123.600 con. Trong khi đó tổng sản lượng sản phẩm thịt heo xuất chuồng lại tăng 6.030 tấn so với cùng kỳ đã làm giảm lượng heo hơi tồn dư trên địa bàn toàn tỉnh.
Liệu có chuyện "bắt tay thổi giá"?
Tuy nhiên, trước việc giá thịt heo tăng mạnh với mức tăng có lúc lên đến 42.000 đồng/kg, tương đương mức tăng từ 15 đến 17.000 đồng/kg so với trước là điều hơi bất thường, khiến không ít người đặt câu hỏi, phải chăng đây là sự “làm giá” của một số cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm tồn.
Trả lời câu hỏi có hay chăng sự “bắt tay thổi giá” của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tại Đắk Nông cho biết: Thị trường heo trên địa bàn hiện đã ổn định, lượng heo tồn hầu như đã hết, còn heo thịt hiện ngang bằng với nhu cầu của thị trường, nên “không có việc thổi giá” mà do thị trường cung đã bằng cầu. “Với giá hiện tại, người chăn nuôi mới chỉ hòa vốn. Tuy nhiên, hiện phần lớn heo của các hộ chăn nuôi cá thể đã hết, lượng heo giảm mạnh có thể đẩy giá tiếp tục tăng”, ông Trí dự đoán.
Có thể nói, trước một sự việc, các bên sẽ có cách lập luận khác nhau. Tuy nhiên, đối tượng chịu tác động nhiều nhất vẫn là nông dân. Ngay lúc này, người dân cần phải hết sức tỉnh táo, cân nhắc chi phí đầu tư để bán ra hoặc tái đàn theo khả năng, tránh chạy theo thông tin, rồi ghim hàng hoặc tái đàn ồ ạt dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa "cung" và "cầu" như thời gian qua.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp - PTNT) tỉnh: Heo tăng giá trở lại là kết quả của nỗ lực "giải cứu" thịt heo từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND tỉnh và người dân trong suốt thời gian qua, cộng thêm nhu cầu nhập khẩu của các nước đang tăng lên. Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ sở chắc chắn về tính bền vững của đà tăng giá này nên người chăn nuôi cần thận trọng trước quyết định đầu tư tăng đàn. |