Giá gas trên thị trường thế giới
Theo ghi nhận trên trang Oilprice.com vào lúc 8 giờ 10 ngày 15/1/2025 (giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên trên thị trường thế giới quay đầu giảm 1,59% xuống mức 3,901 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 1/2025.
Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng khí đốt xảy ra sau khi Nga và Ukraine xung đột, châu Âu đứng trước nguy cơ không đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt cho mùa đông tới. Tình trạng này sẽ dẫn đến việc các quốc gia phải cạnh tranh để có được nguồn cung.
Dù EU có đủ lượng khí đốt dự trữ để vượt qua mùa đông năm nay và giá cũng hạ nhiệt kể từ đầu năm, nhưng kho dự trữ đang bị rút cạn với tốc độ rất nhanh do thời tiết lạnh giá. Trong khi đó, nguồn cung năng lượng đã bị siết chặt do Ukraine không gia hạn thoả thuận trung chuyển khí đốt với Nga.
Francisco Blanch, chiến lược gia hàng hóa tại Bank of America Corp. giải thích EU chắc chắn sẽ có “khoảng trống” năng lượng lớn trong năm nay và khu vực này sẽ tìm kiếm khắp nơi để bù đắp cho việc thiếu hụt khí đốt Nga.
Để đáp ứng nhu cầu, châu Âu có thể sẽ phải nhập khẩu thêm 10 triệu tấn LNG mỗi năm, cao hơn khoảng 10% so với năm 2024. Các dự án khai thác mới ở Bắc Mỹ sẽ giúp xoa dịu tình trạng khan hiếm trên thị trường nhưng lại phụ thuộc vào tốc độ tăng sản lượng của các cơ sở này.
Hiện tại, giá LNG giao ngay tại châu Á cao hơn khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần bị tác động bởi giá tại châu Âu. Hợp đồng tương lai khí đốt ở châu Âu đang cao hơn gấp 3 lần so với thời điểm trước khi mâu thuẫn Nga - Ukraine xảy ra.
Việc tìm kiếm nguồn cung thay thế cho Nga sẽ rất khó khăn với các công ty tiện ích và lĩnh vực công nghiệp của châu Âu. Vấn đề này thậm chí còn căng thẳng hơn với Đức - nơi khí đốt Nga chiếm đến hơn 1 nửa nguồn cung.
Lĩnh vực sản xuất của Đức vốn đang chật vật trước tình trạng chi phí khí đốt tăng cao, theo đó an ninh năng lượng là vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử vào ngày 23/2. Đảng cực hữu Alternative for Germany là ứng viên có tiềm năng thứ 2 trong các cuộc thăm dò tại Đức một phần vì họ muốn khôi phục đường ống khí đốt giá rẻ từ Moscow để thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong sản xuất.
Thiếu khí đốt Nga, châu Âu sẽ phải rút bớt nguồn cung mà châu Á cần trong khi đây là châu lục có các nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Tuy vào nhu cầu, sự cạnh tranh sẽ đẩy giá cao hơn mức các nước như Ấn Độ, Bangladesh và Ai Cập có thể chi trả và gây áp lực lên sự hồi phục của kinh tế Đức.
Nam Mỹ cũng ở tình thế tương tự. Brazil đã gặp nhiều khó khăn trong việc bù đắp sản lượng thuỷ điện sụt giảm do hạn hán, còn Argentina cũng cần LNG cho mùa sưởi ấm sắp tới. Ai Cập cũng bị ảnh hưởng. Năm ngoái, quốc gia này đã khiến thị trường bất ngờ khi chuyển từ nước xuất khẩu LNG sang nước nhập khẩu do thiếu điện vào mùa hè, thúc đẩy lượng mua lên mức cao nhất kể từ năm 2017.
Giá khí đốt cao và thiếu hụt nguồn cung lại cơ hội đối với các nhà xuất khẩu LNG. Do dự án Arctic LNG 2 của Nga bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt và Ai Cập ngừng xuất khẩu, Mỹ được dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất và là “cứu tinh” cho châu Âu. Tuy nhiên, sản lượng LNG của Mỹ sẽ tăng tương đối chậm.
Nga hiện vẫn là nhà cung cấp LNG lớn thứ 2 đối với châu Âu và thị trường sẽ đổ dồn sự chú ý vào việc liệu Moscow có thể duy trì khối lượng xuất khẩu hay không, nhất là sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt vào các cơ sở sản xuất LNG vào tuần trước. Theo giới phân tích, nếu xung đột Nga - Ukraine chấm dứt, triển vọng thị trường sẽ thuận lợi hơn và đường ống trung chuyển khí đốt qua Ukraine đến châu Âu có thể được “mở van” vào năm 2025.
Giá gas trong nước
Tổng Công ty Gas Petrolimex cho biết, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 1/2025 tại thị trường Hà Nội là 460.100 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.840.100 đồng/bình công nghiệp 48kg , lần lượt giảm 7.200 đồng/bình 12 kg và 29.100 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Theo Tổng Công ty Gas Petrolimex, giá gas Petrolimex tháng 1/2025 giảm là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 1/2025 ở mức 620 USD/tấn, giảm 12,5 USD/tấn so với tháng 12/2024 nên Tổng Công ty Gas Petrolimex thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Nam (Gas South) cho biết giá gas bán lẻ của công ty được điều chỉnh xuống còn 474.400 đồng/bình 12kg và 1.780.361 đồng/bình 45kg (đã bao gồm VAT) tại khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Mức giá này áp dụng cho các nhãn hiệu gas như Gas Dầu Khí, VT - Gas, A Gas, Đặng Phước Gas, Đăk Gas và JP Gas.
Năm 2024, giá gas bán lẻ trong nước đã có 7 lần tăng, 3 lần giảm giá và 2 lần không thay đổi.