Thương mại - Dịch vụ

Giá đường năm 2024 khó lập đỉnh, phục hồi vùng nguyên liệu như thế nào?

Trịnh Thảo 23/12/2023 09:17

Chính sách sản xuất đường của Ấn Độ thay đổi và đặt ra bối cảnh mới cho thị trường đường toàn cầu.

Điều này cũng đòi hỏi những tính toán mới trong kế hoạch phục hồi vùng nguyên liệu mía đường của Việt Nam.

Ấn Độ vẫn ưu tiên sản xuất đường trong niên vụ 2023/24

Chỉ trong 3 tuần, Chính phủ Ấn Độ đã có hai lần thay đổi chính sách sản xuất đường niên vụ 2023/24. Điều đó không chỉ tác động đến ngành công nghiệp mía đường của quốc gia Nam Á này, mà còn góp phần tạo ra bối cảnh mới cho thị trường đường thế giới năm 2024.

Cụ thể, vào đầu tháng 12/2023, Ấn Độ bất ngờ yêu cầu các nhà máy trong nước dành 100% mía ép cho sản xuất đường, thay vì tách khoảng 25 - 30% cho hoạt động chiết suất ethanol.

Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau đó, nước này một lần nữa thay đổi chính sách sử dụng nguyên liệu sản xuất đường niên vụ 2023/24 do lo ngại tác động tiêu cực lên chương trình nhiên liệu sinh học quốc gia. Theo thông báo mới nhất, các nhà máy tại Ấn Độ vẫn được phép sản xuất ethanol từ mía ép và mật nặng loại B. Đây là hai dòng nguyên liệu sản xuất chủ đạo, chiếm khoảng 80% lượng ethanol của quốc gia này, nhưng giới hạn ở mức tương đương 1,7 triệu tấn đường.

Giá đường năm 2024 khó lập đỉnh, phục hồi vùng nguyên liệu như thế nào?
Sản lượng đường của Ấn Độ

Như vậy, thông qua hai lần điều chỉnh chính sách, mục tiêu chung Ấn Độ vẫn là ưu tiên nguyên liệu mía cho sản xuất đường niên vụ 2023/24. Chính phủ nước này cho biết chính sách mới nhằm hướng tới việc ổn định nguồn cung đường trong nước và cắt “cơn sốt” giá đường đang ở mức cao đỉnh lịch sử.

Trước đó, giá đường thế giới lên cao nhất 12 năm và giá đường Ấn Độ đạt đỉnh trong gần 14 năm. Thời tiết khô nóng bất thường do ảnh hưởng từ El Nino khiến Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ phải hạ dự báo sản lượng đường niên vụ 2023/24 của quốc gia còn 33,7 triệu tấn, giảm 8% so với vụ trước. Đây là nguyên nhân chính tác động lên diễn biến giá.

‘Hiệu ứng cánh bướm’ sau quyết định chính sách của Ấn Độ

Ấn Độ hiện là quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới. Do đó, những thay đổi về nguồn cung đường của Ấn Độ sẽ tác động nhiều tới nguồn cung thế giới. Phản ứng của giá đường ngay sau khi Ấn Độ thay đổi chính sách sản xuất lần đầu vào tháng 12 đã phản ánh tầm quan trọng của Ấn Độ trên “bản đồ thị trường” đường toàn cầu.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá đường 11 trên Sở Giao dịch Liên lục địa NewYork đã mất gần 8% trong một phiên (6/12/2023) ngay khi thị trường dấy lên thông tin về kế hoạch ưu tiên sản xuất đường của Ấn Độ. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất trong gần hai năm với mặt hàng này.

Trước sự kiện này, giới chuyên gia nhận định Ấn Độ ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường là để cải thiện tình hình nguồn cung đáng báo động. Hơn nữa, sự hồi phục sản lượng tại quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới khả năng cao sẽ dẫn dắt nguồn cung toàn cầu tích cực hơn trong niên vụ 2023/24.

Giá đường năm 2024 khó lập đỉnh, phục hồi vùng nguyên liệu như thế nào?
Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV cho rằng thị trường đường năm 2024 vẫn sẽ dành nhiều quan tâm đến việc thay đổi chính sách của Ấn Độ. Bởi vì sự thay đổi này có thể giúp nguồn cung đường hồi phục tích cực hơn những dự báo trước đó. Cán cân cung - cầu đường có thể chuyển dần từ trạng thái thâm hụt sang cân bằng trở lại, thậm chí là thặng dư nếu nguồn cung tại Brazil ổn định và các yếu tố cung - cầu khác không đổi. Theo đó, giá đường thế giới sẽ không còn neo ở mức cao, đặc biệt là mức đỉnh trong 12 năm.

Giá đường năm 2024 khó lập đỉnh, phục hồi vùng nguyên liệu như thế nào?
Tỷ trọng sản lượng đường của Ấn Độ so với thế giới

Phục hồi vùng nguyên liệu mía đường đặt trong bối cảnh mới

Sang 2024, thị trường đường đặt trong bối cảnh mới khi giá đường dự kiến khó có thể lập đỉnh như năm 2023. Điều này cũng có thể làm mất đi một động lực quan trọng cho kế hoạch phục hồi vùng nguyên liệu mía đường của Việt Nam.

Trong những năm qua, phát triển vùng nguyên liệu không chỉ là mong ước của các nhà máy sản xuất mà còn là giải pháp để vực dậy ngành mía đường trong bối cảnh đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp sản xuất do diện tích, sản lượng mía sụt giảm.

Để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng mía, từ các cơ quan trung ương cho tới các nhà máy đã tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường liên kết với các HTX và cá nhân, thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, cấm đường nhập lậu… đặc biệt là tăng giá thu mua nguyên liệu mía của bà con nông dân.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá mua nguyên liệu mía lên cao là động lực chính khiến diện tích và sản lượng tăng đáng kể trong hai niên vụ 2021/22 và 2022/23. Hiện nay, giá mía thu mua đã lên đến mức 1,1 –1,3 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực.

Giá đường năm 2024 khó lập đỉnh, phục hồi vùng nguyên liệu như thế nào?
Diện tích trồng mía của Việt Nam trong 10 năm

Tuy nhiên, năm 2024, nếu giá đường thành phẩm giảm, doanh nghiệp sản xuất đường sẽ không thể thu mua nguyên liệu mía với mức cao như năm 2023. Đây chính là vấn đề đòi hỏi ngành mía đường Việt Nam cần có những tính toán và hướng đi mới cho sự hồi phục và phát triển trong dài hạn.

Nhận định về vấn đề này, ông Dương Đức Quang cho biết: “Tăng giá thu mua mía từ nông dân đã là một giải pháp hữu hiệu để mở rộng vùng nguyên liệu trong năm 2023 và tạo tiền đề cho năm 2024. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường trong năm tới dự kiến sẽ nhiều biến động đòi hỏi ngành mía đường phải sớm tìm ra con đường liên kết chặt chẽ hơn và phát triển bền vững hơn.”

Trịnh Thảo

Theo congthuong.vn
https://congthuong.vn/gia-duong-nam-2024-kho-lap-dinh-phuc-hoi-vung-nguyen-lieu-nhu-the-nao-293315.html
Copy Link
https://congthuong.vn/gia-duong-nam-2024-kho-lap-dinh-phuc-hoi-vung-nguyen-lieu-nhu-the-nao-293315.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Giá đường năm 2024 khó lập đỉnh, phục hồi vùng nguyên liệu như thế nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO