Năm 2016, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Văn Hồng được cấp phép khai thác Mỏ cát Quảng Phú 3 (Krông Nô). Khu vực được cấp phép có chiều dài 2,5km, diện tích 3,6ha dọc sông Krông Nô. Công suất khai thác theo giấy phép là 20.000m3/năm.
Theo đại diện DNTN Văn Hồng, sản lượng khai thác năm 2022 không đạt so với công suất thiết kế. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp phải ngừng khai thác dịp đầu năm để khắc phục các vi phạm mà cơ quan chức năng chỉ ra.
Sản lượng khai thác cát của hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép đều không đạt theo thiết kế |
Giá cát xây dựng được DNTN Văn Hồng bán tại bãi dao động từ 220.000 - 270.000 đồng/m3 tùy loại (cát xây hoặc cát tô). Tuy nhiên, giá cát xây dựng đang được bán tại Gia Nghĩa và các huyện lân cận lại có giá dao động từ 550.000 - 600.000 đồng/m3.
“Giá cát xây dựng cao có thể do các đại lý tích trữ được trước đây rồi đẩy lên khi khan hiếm hàng”, đại diện DNTN Văn Hồng chia sẻ.
Bãi tập kết cát của 1 doanh nghiệp còn rất ít khối lượng do ít tàu khai thác |
Việc khai thác và bán cát xây dựng năm 2022 tại Công ty TNHH Xuân Bình cũng không đạt được kết quả theo kế hoạch. Doanh nghiệp này được cấp phép khai thác sản lượng 40.000m3/năm trên sông Krông Nô.
Theo ông Nguyễn Sỹ Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuân Bình, nhiều tháng nay, đơn vị chỉ có 1 tàu khai thác hoạt động. Nhanh nhất thì vào cuối quý I, đầu quý II/2023 thì mới có thêm 3 tàu hút cát nữa đủ điều kiện khai thác.
“Giá cát chúng tôi bán ở mỏ hiện tại đang là 200.000 đồng/m3 cát xây. Giá này so với hàng năm thì cao hơn, nhưng doanh nghiệp không thể bán thấp hơn vì không đủ chi phí vận hành”, ông Trung chia sẻ.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc khai thác cát trên sông Krông Nô |
Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Võ Văn Minh, trên sông Krông Nô hiện có 7 doanh nghiệp được cấp phép khai thác với sản lượng 182.000m3/năm. Trong đó, có 1 doanh nghiệp được cấp phép với sản lượng 20.000m3/năm chưa đi vào khai thác.
Qua số liệu báo cáo, sản lượng khai thác cát xây dựng năm 2022 cơ bản không đạt. Như vậy, công suất khai thác cát xây dựng thực sự sẽ thấp hơn nhiều so với con số 162.000m3/năm.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út thông tin, giá cát xây dựng đang được bán ở Gia Nghĩa và các huyện lân cận dao động khoảng 600.000 đồng/m3.
“Các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng cho rằng, giá cát xây dựng tăng do chi phí nguyên liệu và các chi phí khác đều tăng. Tuy nhiên, giá cát xây dựng bán ở thị trường tăng 2 - 3 lần so với tại nơi sản xuất thì cần phải xem xét, đánh giá lại”, ông Út thông tin.
Giá cát xây dựng nói riêng, vật liệu xây dựng nói chung tăng đang tạo áp lực cho ngành xây dựng. Các doanh nghiệp xây dựng và người dân có nhu cầu xây dựng bị tác động trực tiếp đến túi tiền của mình. Sản lượng cát khai thác không đủ nhu cầu cũng tiềm ẩn những rủi ro cho nền kinh tế.
Khối lượng cát khai thác giảm sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế (Trong ảnh: Bãi tập kết cát của 1 đơn vị được cấp phép tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, năm 2023, tỉnh sẽ triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm. Các dự án, công trình này cần khối lượng vật liệu xây dựng, trong đó cát xây dựng rất lớn.
“Nếu sản lượng khai thác như hiện tại, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ không đủ cát để xây dựng các công trình lớn. Và nếu giá bán cao thì chắc chắn việc triển khai các công trình cũng sẽ gặp những vấn đề về tiến độ. Do đó, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các sở, ngành đánh giá lại toàn diện nhu cầu sử dụng để có phương án xử lý”, đồng chí Hồ Văn Mười cho hay.