Thị trường thế giới
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/12, giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản đạt 378 yen/kg, giảm nhẹ 0,1% so với phiên giao dịch trước nhưng tăng 1,2% (4,6 yen/kg) so với cuối tuần trước.
Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc, giá cao su tự nhiên hợp đồng giao tháng 1/2025 đứng ở mức 18.580 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,8% so với hôm trước nhưng vẫn tăng 3% (535 nhân dân tệ/tấn) trong tuần qua.
Còn tại Thái Lan, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 1/2025 đạt 85,8 Baht/kg, tăng 4,2% trong tuần qua.
Những lo ngại về nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn sau các trận mưa lớn trong mùa gió ở bang Johor phía nam Malaysia trong vài ngày qua và mưa lớn tại Thái Lan, quốc gia sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các thương nhân cho biết, người mua không tích cực mua cao su do giá cao.
Hãng Thông tấn Malaysia (Bernama) đưa tin, ông Denis Low, chuyên gia ngành cao su, nhận định rằng thị trường cao su có thể tiếp tục tăng trong tuần tới do tình trạng nguồn cung khan hiếm sau những trận lũ lụt gần đây ở Malaysia và Thái Lan.
Ông cho biết mặc dù hai quốc gia Đông Nam Á này thường xuyên trải qua các trận mưa gió mùa hàng năm, các nhà khoa học nhận định rằng biến đổi khí hậu đang gây ra các hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, làm tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt nghiêm trọng.
"Do đó, nhu cầu dự trữ sẽ tăng cao và các thương nhân có thể không muốn rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung," ông Low nhận định.
Theo Cơ quan Cao su Thái Lan (RAT), trận lũ lụt lớn ở miền Nam Thái Lan có thể gây ra thiệt hại khoảng 20 tỷ Baht khi nông dân cao su không thể khai thác mủ cao su trong ít nhất một tháng hoặc lâu hơn.
Trong khi đó, một số bang sản xuất cao su ở Malaysia cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do mưa lớn liên tục bởi gió mùa Đông Bắc.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho biết các căng thẳng địa chính trị và sự bất ổn liên quan đến các mức thuế tiềm năng của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng góp phần làm tăng sự biến động trên thị trường và ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch.
"Những bất ổn như vậy làm tăng sự biến động, dẫn đến sự thận trọng và lo ngại. Tình trạng này vừa đẩy giá một số hàng hóa vượt quá kỳ vọng, vừa kìm hãm giá của một số khác," ông nói thêm.
Ở một khía cạnh khác, Hiệp hội Các nhà sản xuất Găng tay Cao su Malaysia (MARGMA) cho biết, khi bước vào giai đoạn thời tiết La Niña, lượng mưa lớn và lũ lụt ở các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia và Thái Lan, sẽ tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung cao su tự nhiên.
"Tuy nhiên, xu hướng tăng có thể bị giới hạn bởi sự giảm tốc trong hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc," MARGMA cho biết.
Hiệp hội cũng lưu ý rằng việc trì hoãn thực thi Quy định về Phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có thể mang lại sự giải tỏa ngắn hạn cho thị trường. Tuy nhiên, những tác động lâu dài của EUDR có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về cao su bền vững và qua đó tác động đến giá cao su toàn cầu.
Giá cao su có thể tiếp tục xu hướng tăng trong tuần tới, đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến của các thị trường kỳ hạn cao su khu vực, sức mạnh của đồng ringgit so với đồng đô la Mỹ và giá dầu thô chuẩn.
Thị trường trong nước
Tại trong nước, giá cao su ổn định trong ngày cuối tuần.
Theo đó, Công ty Cao su Bà Rịa đang báo giá thu mua mủ nước ở mức 437 – 447 đồng/TSC; mủ đông DRC (35 - 44%) đạt 13.300 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động trong khoảng 16.500 - 17.800 đồng/kg.
Công ty Cao su Mang Yang niêm yết giá thu mua mủ nước trong khoảng 434 – 438 đồng/TSC, mủ đông tạp từ 387 - 441 đồng/DRC.
Còn tại Công ty Cao su Phú Riềng, giá thu mua mủ tạp ở mức 415 đồng/DRC, mủ nước là 455 đồng/TSC.