Giá cao su thế giới
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) – Nhật Bản, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9 tiếp tục giảm 2,33% trong phiên giao dịch ngày 6/9, xuống còn 352,5 yen/kg.
Ở chiều ngược lại, giá cao su tự nhiên trên Sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải (SHFE) – Trung Quốc tăng nhẹ 0,57% (tương đương tăng 85 nhân dân tệ/tấn) lên mức 14.950 nhân dân tệ/tấn đối với hợp đồng giao tháng 9; tăng 0,77% lên mức 15.055 nhân dân tệ/tấn đối với hợp đồng giao tháng 102025.
Thông tin với Reuters, ông Jom Jacob, nhà phân tích trưởng của công ty phân tích cao su What Next Rubber tại Ấn Độ, cho biết trong khi các yếu tố cung - cầu đối với cao su tự nhiên không thuận lợi do mưa lớn bất thường gây khó khăn cho việc thu hoạch ở Thái Lan, tâm lý thị trường phần nào bị ảnh hưởng bởi dữ liệu sản xuất đáng thất vọng của Trung Quốc, đồng thời giá dầu thô giảm mạnh và xu hướng giảm sâu của giá cao su tổng hợp.
Cơ quan khí tượng của Thái Lan, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, đã cảnh báo về những trận mưa lớn có thể gây ra lũ quét từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 9.
Thái Lan đã xuất khẩu tổng cộng hơn 2,3 triệu tấn cao su tự nhiên và cao su hỗn hợp trong 7 tháng đầu năm, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc là 1,2 triệu tấn, giảm 28% so với cùng kỳ.
Cập nhật giá cao su trong nước
Tại các công ty cao su trong nước, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu tăng lên mức 383-405 đồng/TSC.
Trong đó, Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua ngày 6/9 ở mức 385 – 390 đồng/TSC, tăng khoảng 8 - 10 đồng/TSC so với đầu tháng 8.
Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua ở mức 395 - 405 đồng/TSC, tăng 5 đồng/TSC so với ngày 1/9. Giá thu mua mủ đông DRC từ 35 đến 44% ổn định ở mức 14.600 đồng/kg, mủ nguyên liệu dao động từ 18.100 – 19.500 đồng/kg.
Thời điểm cuối tháng 8, Công ty cao su Bình Long báo giá thu mua ở mức 383-393 đồng/TSC, tăng so với mức 376 - 386 đồng/TSC của đầu tháng.
Báo giá gần nhất của Công ty Cao su Phú Riềng dao động 360 đồng/DRC - 400 đồng/TSC, tăng so với mức 345-390 đồng/TSC trước đó.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, cho biết 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 74,27 nghìn tấn, trị giá 122,89 triệu USD, tăng 19,9% về lượng và tăng 42,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Thời gian tới, do thiếu nguồn cung nội địa, dự kiến Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su, qua đó tác động tích cực đến xuất khẩu cao su Việt Nam.
Sản lượng cao su Ấn Độ giảm do điều kiện thời tiết bất lợi, sản lượng niên vụ 2023/24 ước đạt 857 nghìn tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 1,4 triệu tấn. Điều này cho thấy nhập khẩu cao su tự nhiên vào Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hiện ngành công nghiệp ô tô và sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên tăng.
Thông thường, các nhà sản xuất Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su trước khi thị trường bước vào mùa mưa khiến việc khai thác cao su gặp khó khăn. Nhưng trong năm nay, hoạt động nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn do tắc nghẽn cảng biển và thiếu container rỗng.