Giá cao su thế giới
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/12, giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản giảm 0,6% (2,2 yen/kg) so với phiên giao dịch trước, xuống còn 365,6 yen/kg.
Tại Thái Lan, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 1/2025 cũng giảm 0,8%, đạt 84,69 Baht/kg.
Trong khi đó, trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc, giá cao su tự nhiên hợp đồng giao tháng 1/2025 đảo chiều tăng nhẹ 0,4% (75 nhân dân tệ/tấn), lên mức 17.445 nhân dân tệ/tấn.
Thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu toàn cầu ảm đạm và giá dầu giảm.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu trong tháng 11 đạt khoảng hơn 1,4 triệu tấn, tăng 3,7% so với tháng trước nhưng giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế trong 11 tháng đầu năm, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu ước tính tăng 2,3% lên 12,7 triệu tấn.
Ở chiều ngược lại, tiêu thụ cao su tự nhiên trong tháng 11 đạt hơn 1,27 triệu tấn, giảm 1,4% so với tháng trước nhưng tăng 2,5% so với cùng kỳ. Qua đó đưa tổng tiêu thụ cao su toàn cầu giảm 2,8% trong 11 tháng, xuống còn hơn 13,5 triệu tấn.
Năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu được ANRPC dự báo tăng 4,5% so với năm 2023 lên 14,539 triệu tấn. Trong đó, Thái Lan giảm 0,4%, Indonesia tăng 12,3%, Trung Quốc tăng 4,1%, Ấn Độ tăng 6%, Việt Nam giảm 2%, Malaysia tăng 0,6%, Sri Lanka tăng 21,9%, các nước khác tăng 11,6%.
Trong khi đó, tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,4% so với năm 2023, lên 15,38 triệu tấn trong năm 2024. Trong đó, Trung Quốc tăng 3,1%, Ấn Độ tăng 3%, Thái Lan tăng 1,1%, Indonesia giảm 18,9%, Malaysia giảm 17,2%, Việt Nam tăng 0,5%, Sri Lanka tăng 41,3%, các nước khác tăng 1,5%.
Mặc dù tăng trưởng sản xuất cao hơn so với tăng trưởng tiêu thụ nhưng với dự báo này sản lượng toàn cầu vẫn thiếu hụt khoảng 841.000 tấn so với tiêu dùng.
ANRPC cũng cho biết, giá cao su thiên nhiên trung bình hàng tháng đã giảm trên toàn bộ thị trường vào tháng trước do các yếu tố bất định như: (1) Luật chống phá rừng của EU (EUDR) tạm hoãn triển khai; (2) ảnh hưởng của thuế quan đến thương mại; (3) giá dầu thô biến động không đồng nhất nhưng có xu hướng giảm.
Những yếu tố không chắc chắn này đã dẫn đến việc người mua có động thái “chờ đợi” và người mua có xu hướng tích trữ nguyên liệu thô từ các nhà cung cấp có giá cạnh tranh hơn để chuẩn bị cho nhu cầu tăng trưởng trong tương lai, vốn vẫn nằm trong kỳ vọng.
Cuối tháng 11, giá cao su thiên nhiên hàng ngày đều tăng. Có những dấu hiệu cho thấy các biện pháp kích thích kinh tế tiếp tục của Trung Quốc đã cải thiện tâm lý nhà máy trong tháng 11. Khu vực ASEAN (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,4% vào năm 2025. Đồng thời, ngày 7/11, Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất lần thứ hai liên tiếp, báo hiệu nền kinh tế Mỹ đang phục hồi.
Tuy nhiên, ANRPC cho rằng nguồn cung nguyên liệu dự kiến sẽ tăng theo mùa vào quý IV/2024, góp phần làm giá cao su thiên nhiên giảm trong thời gian tới.
Cập nhật giá cao su trong nước
Tại trong nước, giá cao su tiếp tục kéo dài chuỗi ngày đi ngang.
Theo đó, Công ty Cao su Bà Rịa đang báo giá thu mua mủ nước ở mức 447 – 457 đồng/TSC, mủ đông DRC (35 - 44%) là 13.500 đồng/kg và mủ nguyên liệu từ 16.700 - 18.000 đồng/kg.
Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua mủ nước trong khoảng 434 – 438 đồng/TSC, mủ đông tạp từ 387 - 441 đồng/DRC.
Còn tại Công ty Cao su Phú Riềng, giá thu mua mủ tạp đứng ở mức 415 đồng/DRC, mủ nước là 465 đồng/TSC.