Những ngày qua giá cà phê biến động mạnh cả ở thị trường trong nước và thế giới. Chỉ trong chưa đầy một ngày, giá cà phê robusta trên sàn London tăng hơn 100 USD/tấn và 2 lần thiết lập kỷ lục mới. Tính đến ngày 20/12, giá cà phê robusta vượt ngưỡng 2.900 USD/tấn - mức cao nhất từ trước đến nay. So với đầu năm, giá cà phê thế giới tăng 50%.
Thị trường cà phê trong nước biến động mạnh không kém khi giá tăng từng ngày, tiến dần đến mức đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 7 là 70.000 đồng/kg. Hiện giá đang giao dịch quanh mức 68.000 đồng/kg. Giá cà phê tăng ngay cả khi trong thời gian thu hoạch - thời điểm giá thường chịu áp lực bởi nguồn cung dồi dào.
Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch của một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nằm trong top 3 cả nước nhận định tình hình thị trường hiện “rất loạn” và giá hiện tại không phản ánh thực bản chất của ngành.
Ông cho biết ở trên sàn giao dịch, giới đầu cơ lợi dụng thông tin thiếu hụt nguồn cung để đẩy giá lên. Tuy nhiên, mức độ thiếu hụt đến đâu hiện tại vẫn dừng lại ở dự báo. Theo dự kiến của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 ước giảm 10% xuống khoảng 1,6 triệu tấn. Hiện tại, vùng Tây Nguyên đang thu hoạch được khoảng 50% sản lượng.
Vị này cho biết thông thường cuối năm là thời điểm ngân hàng “chốt sổ” ký quỹ (margin). Do đó, nhiều nhà giao dịch phái sinh chịu áp lực gọi ký quỹ (margin call) nên phải bán ra. Lực cầu từ các nhà đầu cơ có tiềm lực tài chính mạnh mua vào, đồng thời đẩy giá cao hơn. Các nhà đầu cơ nhận thấy hàng tồn kho trên sàn không còn nhiều, trong khi năm ngoái sản lượng của Việt Nam giảm, hàng tồn kho từ vụ cũ chuyển sang cũng thấp nhất trong nhiều năm.
Báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy tồn kho cà phê được chứng nhận trên sàn New York và London tiếp tục theo quỹ đạo đi xuống trong tháng 11. Trong đó, tồn kho cà phê robusta trên sàn London giảm sâu 49,2% so với tháng trước xuống chỉ còn 0,34 triệu bao (loại 60 kg), con số thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 3/2014. Tồn kho cà phê arabica được chứng nhận cũng giảm tới 24,5% xuống mức 0,32 triệu bao.
“Hiện tại, 300.000 tấn cà phê Việt Nam đang nằm trong tay các nhà đầu cơ”, lãnh đạo doanh nghiệp cà phê nói trên ước tính.
Còn ở thị trường nội địa, giá cũng liên tục tăng bởi người dân không chịu bán ra. “Giá cà phê nội địa khoảng 66.000 đồng/kg là người dân bắt đầu suy nghĩ đến chuyện bán ra. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp cứ mua là có hàng giao ngay mà phải chờ 2-3 ngày mới có. Nhưng giá mỗi ngày một tăng, người dân lại càng không muốn bán ra với tâm lý chờ tăng thêm. Tình hình hiện không có biện pháp nào khác, giá cà phê không phản ánh đúng bản chất thị trường bởi đang trong chính vụ, nguồn cung dồi dào”, vị này cho hay.
Ông chia sẻ, thông thường thời điểm này, các nhà rang xay tìm đến Việt Nam để mua hàng vì chỉ duy nhất Việt Nam là có cà phê mới. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, các đối tác không chấp nhận mức giá hiện tại. Còn ở phía doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nỗi lo hiện tại là không có đủ hàng để giao.
Theo ông, dù các doanh nghiệp có mua trên sàn với giá cao nhưng cũng không có gì đảm bảo rằng họ có thể nhận được hàng. Một số doanh nghiệp FDI cũng đặt mua trước cà phê từ đầu tháng 11 với giá 53.000 - 58.000 đồng/kg nhưng hiện cũng chưa chắc nhận được hàng theo hợp đồng vì giá tăng.
“Tình hình hiện tại rất nguy hiểm. Giá lên thẳng đứng thì giảm cũng sẽ thẳng đứng. Vấn đề ai là người “dính” trong vùng giá đi xuống thôi”, ông nhận định.
Trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn khác cũng cảnh báo nếu người dân tiếp tục găm hàng, rủi ro không chỉ đến với các đại lý, doanh nghiệp mà còn lan rộng đến toàn ngành hàng. Các khách hàng có thể tìm đến nhà cung cấp của nước khác để thay thế.
“Trong 3 tháng qua, các công ty nước ngoài bắt đầu rang hàng của Brazil. Nếu người dân tiếp tục giữ hàng, đến tháng 4, 5 năm sau khi hàng Brazil được bổ sung, thì lúc đó hàng Việt Nam sẽ khó bán được. Ít nhất người dân phải bán ra 50% thì mọi thứ mới quay trở lại quỹ đạo bình thường, nếu không thị trường sẽ bị “gãy”, ông cảnh báo.
Vị này cho hay mặc dù số liệu tồn kho ghi nhận ở trên các sàn thấp nhưng riêng với arabica của Brazil, các thương nhân có thể là người nắm giữ hàng thật với số lượng lớn và chuyển thẳng qua các nhà rang xay.
Ngoài Brazil, hiện tại một số quốc gia Châu Phi cũng bắt đầu bước vào cuộc đua trồng robusta. Điển hình như Uganda. Nước này đang tập trung phát triển cà phê robusta bởi dễ trồng, năng suất cao. Các nhà rang xay cũng bắt đầu dùng hàng của Uganda.
Bên cạnh đó, nếu giá cà phê robusta vẫn tiếp tục tăng cao trong khi giá hạt arabica đang giảm, thì các nhà rang xay có thể quay trở lại sử dụng hạt arabica. Điều này sẽ bất lợi đối với hạt robusta và giá có thể giảm xuống. "Giá cà phê hay nhiều loại nông sản khác một khi đã giảm sau một đợt tăng nóng thì sẽ giảm rất mạnh và sâu", ông cho biết.