Việc giá các mặt hàng nông sản tăng “nóng” cũng tạo ra nhiều hệ lụy khi nông dân chạy theo thị trường, rơi vào điệp khúc “chặt – trồng, trồng – chặt”, “bẻ cọc, bẻ kèo” phá vỡ mối liên kết sản xuất; doanh nghiệp (DN) tranh mua, tranh bán gây nhiễu loạn giá…
Hệ lụy từ việc tăng giá “nóng”
Trong 10 năm trở lại đây, giá của các mặt hàng nông sản vùng Tây Nguyên – Đắk Lắk lên, xuống thất thường khiến rất nhiều hộ nông dân rơi vào điệp khúc “chặt - trồng, trồng - chặt”.
Đơn cử như hộ bà Vũ Thị Hòa (phường Thiện An, TX Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), vào các năm 2014 và 2015, khi giá hồ tiêu trong nước lập mức đỉnh 200.000 đồng/kg, gia đình bà đã phá bỏ bớt cây cà phê trên diện tích khoảng 4 sào để trồng xen cây tiêu.
Đến khi có sản phẩm thu hoạch thì giá hồ tiêu xuống chạm đáy; lúc này giá bơ booth lại tăng cao đến 100.000 đồng/kg, gia đình lại tiếp tục trồng xen bơ.
Thế nhưng, khi bơ cho thu hoạch thì lại rớt giá thê thảm, thậm chí không có ai mua. Lúc này, giá sầu riêng lại bắt đầu "nóng" lên, gia đình bà đã phá bỏ hết cây bơ và cà phê để trồng sầu riêng.
Đến thời điểm hiện tại, giá cà phê và hồ tiêu tăng rất cao thì gia đình hầu như không có thu nhập từ vườn cây vì cà phê không còn, năng suất tiêu thì rất thấp do không đầu tư chăm sóc, sầu riêng thì mới thu hoạch lác đác…
Sầu riêng được trồng xen canh với cà phê ở Đắk Lắk. Ảnh: Minh Châu
Trên thực tế, rất nhiều hộ nông dân rơi vào tình trạng như hộ bà Hòa vì tư duy sản xuất chạy theo phong trào, theo biến động của thị trường mà chưa có sự tìm hiểu một cách toàn diện nên cứ bị luẩn quẩn quanh điệp khúc “chặt – trồng”.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp ở các địa phương, thời gian qua diện tích cà phê biến động rất nhiều do người dân chuyển sang trồng sầu riêng.
Như huyện Krông Pắc, niên vụ cà phê 2023 - 2024, toàn huyện có 20.342 ha cà phê (trong đó có 18.970 ha cà phê thời kỳ kinh doanh); sản lượng cà phê nhân ước đạt hơn 45.620 tấn, giảm khoảng 5.110 tấn so với niên vụ 2022 – 2023.
Nguyên nhân là do nhiều diện tích cà phê được trồng xen sầu riêng đã làm giảm mật độ và năng suất cà phê trong vườn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải quyết vấn đề áp lực tăng giá thành, bên cạnh nỗ lực của DN thì các cơ quan quản lý cần có thêm giải pháp kìm giữ được giá thành, giúp toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu vận hành một cách trôi chảy và hài hòa được lợi ích của các tác nhân tham gia, từ nông dân cho đến các nhà chế biến, xuất khẩu.
Cũng giống như số phận cà phê, cây hồ tiêu cũng trải qua nhiều thăng trầm, đến nay giá tăng cao nhưng diện tích và sản lượng thì suy giảm trước sự gia tăng diện tích của một số cây trồng có lợi nhuận tốt hơn.
Hồ tiêu Việt Nam từng chiếm tỷ trọng bình quân 40% sản lượng toàn cầu hằng năm, nhưng vào năm 2024 dự báo giảm xuống còn 31,8%.
Đó là chưa kể tình trạng giá nông sản tăng cao dẫn đến việc tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, ép mua ép bán, ép giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu… đã diễn ra phổ biến trong những năm gần đây và thấy rõ nhất trong vụ sầu riêng 2023 tại Đắk Lắk.
Doanh nghiệp gặp khó
Giá nông sản tăng đang tạo nên một áp lực không nhỏ cho các DN hoạt động trong một số ngành hàng.
Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 cho biết, đến hết tháng 2/2024, công ty đã xuất khẩu 11.000 tấn cà phê, 600 tấn tiêu.
Theo kế hoạch năm 2024, công ty phấn đấu xuất khẩu 125.000 tấn cà phê, 8.000 tấn tiêu. Tuy nhiên, hiện nay giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục trong vòng 30 năm qua.
Đây tuy là tín hiệu tốt cho người nông dân, song DN lại phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Khi giá cao quá sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu khi một số đơn vị, khách hàng không có hàng để giao. Giá cà phê, tiêu tăng cao cũng gây ra hệ lụy là chi phí tài chính của DN tăng so với kế hoạch ban đầu.
Bà Nguyễn Thị Phúc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phúc Minh chia sẻ, kế hoạch của công ty là sẽ sản xuất và chế biến từ 30.000 - 35.000 tấn cà phê trong năm 2024. Chính vì vậy, đơn vị đã chủ động nguồn vốn để thu mua cà phê của nông dân ngay từ đầu vụ.
Tuy nhiên, do giá cả tăng "chóng mặt” nên một một số đơn hàng mua theo kỳ hạn, mua sớm gặp phải tình trạng đại lý không giao hàng nên công ty phải thêm tiền để bù lỗ.
Những tháng gần đây, giá cà phê tăng từng ngày khiến công ty phải thu mua chặt chẽ hơn và mua một lượng vừa phải. Mặt khác, các đối tác cũng yêu cầu đơn vị rút ngắn thời gian giao hàng để bảo đảm nguồn cung và tránh các nguy cơ khác về giá.
Nhiều DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng cà phê, tiêu và các nông sản khác đang có mức giá tăng cao cũng có chung một “nỗi niềm” là không dám nhận thêm đơn hàng ngoài kế hoạch và những đơn hàng, hợp đồng quá xa vì lo giá cả thị trường biến động mạnh.
Thực tế đang cho thấy, nhiều DN xuất khẩu cà phê đã lao đao khi phải đáp ứng đúng thời hạn các hợp đồng đã ký kết từ trước khi giá đầu vào tăng mạnh, rồi phải chịu áp lực về nguồn vốn thu mua, thiếu hụt nguồn hàng, chi phí vận chuyển tăng…
Trong khi giá nông sản tăng mạnh, các chuyên gia cũng khuyến cáo, DN cần có kế hoạch chủ động liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn hàng ổn định và có kế hoạch đơn hàng cụ thể. Điều này sẽ giúp DN tránh bị động, rơi vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí bị phạt hợp đồng.