GDP Quý III/2023 tăng 5,33%, 9 tháng tăng 4,24% xu hướng tích cực hơn ngày càng rõ nét

29/09/2023 09:25

Tổng cục Thống kê vừa phát hành thông cáo về tình hình kinh tế - xã hội Quý III và 9 tháng năm 2023. Theo đó, GDP Quý III/2023 tăng 5,33%, 9 tháng tăng 4,24% xu hướng tích cực hơn ngày càng rõ nét.

Kinh tế Việt: Xu hướng tích cực hơn ngày càng rõ nét trong nhiều ngành, lĩnh vực

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế thế giới 9 tháng năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra tại thời điểm trước đó do tăng trưởng 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ khởi sắc nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 0,1 đến 1 điểm phần trăm.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2023. Liên minh châu Âu (EU)dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3,2%, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2023. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)nhận định kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng 3%, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2023.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023đạt 3%, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2023.

Trong đó, tăng trưởng của khu vực châu Âu đạt 0,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm; Mỹ đạt 1,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm; Nhật Bản đạt 1,4%, tăng 0,1 điểm phần trăm; Trung Quốc giữ nguyên mức tăng trưởng 5,2%.

Fitch Ratings (FR)dự báo kinh tế thế giới năm 2023 tăng trưởng 2,5%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2023.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2023, OECD điều chỉnh dự báo tăng trưởng của một số quốc gia so với dự báo tại thời điểm tháng 3/2023 như sau: Indonesia giữ nguyên dự báo ở mức 4,7%; Malaysia và Philipines lần lượt đạt 3,9% và 5,6%, cùng giảm 0,1 điểm phần trăm; Xin-ga-po đạt 1,4%, giảm 0,8 điểm phần trăm; Thái Lan đạt 2,8%, giảm 1 điểm phần trăm.

Đối với Việt Nam, hầu hết các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 so với trước đây dựa trên kết quả và dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và ảnh hưởng của kinh tế thế giới.

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các giải pháp đã được tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; nâng thời hạn visa điện tử cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực.

Do đó, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì và ngày càng rõ nét trong nhiều ngành và lĩnh vực. Kết quả đạt được về phát triển kinh tế – xã hội nước ta trong quý III và 9 tháng năm 2023 như sau:

GDP Quý III/2023 tăng 5,33%; GDP 9 tháng tăng 4,24%

Thứ nhất, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng với xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%). GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43% (đóng góp 9,16%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41% (đóng góp 22,27%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023[10]; khu vực dịch vụ tăng 6,32% (đóng góp 68,57%), trong đó một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,66%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,91%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,17%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,51%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,16%; khu vực dịch vụ chiếm 42,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,61%.

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 34,30% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 3,22%, đóng góp 19,35%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 5,79%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,19%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 46,35%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III và 9 tháng năm 2023 duy trìtăngtrưởng ổn định.Sản xuất lúa vụ đông xuân và hè thu đạt kết quả khá do thời tiết khá thuận lợi, được mùa được giá.Sản lượng một số cây lâu nămtăng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi phát triển ổn định. Sản xuất lâm nghiệp gặp bất lợi do thời tiết chuyển hướng nhanh từ nắng nóng sang mưa lũ, sạt lở đất ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng mới ở nhiều địa phương.Nuôi trồng thủy sảnhiệu quả nhờ tập trung nuôi thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao.

a) Nông nghiệp

Vụ lúa đông xuân năm 2023 đạt kết quả khá với sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, tăng 213,1 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2022 và giá lúa tăng cao so với cùng kỳ[11]do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng; năng suất đạt 68,4 tạ/ha, tăng 2,4 tạ/ha chủ yếu do thời tiết thuận lợi, chuyển đổi cơ cấu giống lúa hợp lý và trình độ kỹ thuật canh tác ở các địa phương được nâng cao.

Tính đến trung tuần tháng Chín, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.492,5 nghìn ha, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.005,6 nghìn ha, bằng 98,3%, các địa phương phía Nam đạt 486,9 nghìn ha, bằng 101,1%. Diện tích gieo cấy lúa mùa miền Bắc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế từ canh tác lúa không cao nên người dân giảm diện tích gieo trồng.

Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 1.911,7 nghìn ha, giảm 2,8 nghìn ha[12]so với vụ hè thu năm trước chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất và nắng nóng khô hạn ở một số tỉnh miền Trung. Tính đến ngày 15/9/2023, các địa phương đã thu hoạch được 1.786,3 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 93,4% diện tích gieo cấy và bằng 94,8% cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của các địa phương, vụ lúa hè thu năm nay đạt khá với năng suất ước đạt 57,6 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2022; sản lượng đạt 11 triệu tấn, tăng 173 nghìn tấn và giá lúa hè thu đang ở mức cao so với cùng kỳ.

Đến giữa tháng Chín, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 604,2 nghìn ha lúa thu đông, bằng 105% cùng kỳ năm trước. Tiến độ gieo cấy lúa thu đông năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do các địa phương mở rộng diện tích và tập trung gieo cấy sớm cùng với đó là thời tiết, nguồn nước thuận lợi cho gieo trồng lúa.

Tính đến trung tuần tháng 9/2023, cả nước đã gieo cấy được 824 nghìn ha ngô, bằng 99% so cùng kỳ năm trước; 76,2 nghìn ha khoai lang, bằng 94,2%; 29,7 nghìn ha đậu tương, bằng 94%; 152,8 nghìn ha lạc, bằng 94,9%; 1.020,2 nghìn ha rau đậu, bằng 100,3%.

Sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chè búp đạt 904,6 nghìn tấn, tăng 2,7%; cao su đạt 873,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; dừa đạt 1.483,1 nghìn tấn, tăng 6,3%; điều đạt 358,3 nghìn tấn, tăng 5,4%. Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả đều tăng khá: Cam đạt 1.079,8 nghìn tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; xoài đạt 813,7 nghìn tấn, tăng 3%; sầu riêng đạt 719,3 nghìn tấn, tăng 18,9%; nhãn đạt 563,9 nghìn tấn, tăng 3,6%. Riêng thanh long đạt 885,2 nghìn tấn, giảm 3,5% do giá bán giảm, nhiều vườn cây thanh long đến tuổi già cỗi, người dân chưa trồng lại.

Chăn nuôi trâu, bò trong 9 tháng năm 2023 không có biến động lớn, đàn trâu tiếp tục xu hướng giảm do diện tích chăn thả thu hẹp, hiệu quả kinh tế không cao. Chăn nuôi lợn và gia cầm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển.

b) Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước 9 tháng năm 2023 ước đạt 197,9 nghìn ha, bằng cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 69,8 triệu cây, tăng 4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 14,5 triệu m3, tăng 3,2%.

9 tháng năm 2023, cả nước có 1.594 ha rừng bị thiệt hại, tăng 79,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 922,2 ha, tăng 6,8%; diện tích rừng bị cháy là 671,8 ha, gấp 27,4 lần.

c) Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2023 ước đạt 6.796,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2023 ước đạt 2.520,2 nghìn tấn, tăng 2,6%), bao gồm: Cá đạt 4.859 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 957,4 nghìn tấn, tăng 4,2%; thủy sản khác đạt 980,4 nghìn tấn, tăng 1,6%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng năm 2023 ước đạt 3.792,5 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2023 ước đạt 1.450,1 nghìn tấn, tăng 4%), bao gồm: Cá đạt 2.510,3 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 852,1 nghìn tấn, tăng 4,7%; thủy sản khác đạt 430,1 nghìn tấn, tăng 4%. Sản lượng cá tra tăng so với cùng kỳ năm trước mặc dù giá cá tra nguyên liệu giảm[13]so với cùng kỳ do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu giảm. Sản lượng cá tra đạt 1.238,1 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 204,8 nghìn tấn, tăng 1,3%; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 596,1 nghìn tấn, tăng 5,9%.

Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng năm 2023 ước đạt 3.004,2 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2023 ước đạt 1.070,1 nghìn tấn, tăng 0,6%), bao gồm: Cá đạt 2.348,7 nghìn tấn, tăng 0,5%; tôm đạt 105,3 nghìn tấn, tăng 0,2%, thủy sản khác đạt 550,2 nghìn tấn, giảm 0,3%.

3. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2023 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với quý III/2022[14]. Tính chung 9 tháng năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 ước tính tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 0,75%; quý II tăng 0,95%; quý III tăng 4,57%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98% (quý I giảm 0,49%; quý II tăng 0,6%; quý III tăng 5,61%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,9%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,69%; riêng ngành khai khoáng giảm 3,01%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2023 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,7%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2023 tăng 2,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,4% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 13,4%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2023 là 85,3% (bình quân 9 tháng năm 2022 là 76,4%).

4. Hoạt động của doanh nghiệp

a)Tình hình đăng ký doanh nghiệp[15]

Trong tháng Chín, cả nước có 12.684 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 117,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 80 nghìn lao động, giảm 9,7% về số doanh nghiệp, giảm 13,4% về vốn đăng ký và tăng 0,1% về số lao động so với tháng 8/2023. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 10,6% về số doanh nghiệp, giảm 13,9% về số vốn đăng ký và tăng 29,3% về số lao động. Tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước có 116,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.086,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 748,9 nghìn lao động, tăng 3,1% về số doanh nghiệp, giảm 14,6% về vốn đăng ký và giảm 1,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.486,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 35,6 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 2.573,1 nghìn tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 48,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với 9 tháng năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 165,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 9 tháng năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 75,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%. Bình quân một tháng có 15 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023 cho thấy: Có 30,1% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2023; 37,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 32,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn[16]. Dự kiến quý IV/2023, có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2023; 37,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 23,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

c) Khoa học công nghệ

Về chuyển đổi số[17]: Thực hiện theo chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới” của năm nay – năm quốc gia về dữ liệu số, tất cả Bộ, ngành và địa phương đã xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, tỉnh và kết nối với nền tảng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Việc sử dụng và chia sẻ dữ liệu quốc gia đang có những đóng góp ngày càng quan trọng trong việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi giao dịch qua NDXP giúp tiết kiệm 3 nghìn đồng cho xã hội, góp phần tiết kiệm hàng tỷ đồng các chi phí về đi lại, giấy tờ, thời gian…

Về dịch vụ công trực tuyến: Trên cổng dịch vụ công quốc gia[18], tính đến ngày 25/9/2023, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.556 thủ tục; 2.644 dịch vụ công cho công dân; 2.418 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên cổng Dịch vụ công quốc gia là khoảng 244,9 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng Dịch vụ công quốc gia là hơn 25,1 triệu hồ sơ. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, có 3 bộ có số lượng dịch vụ công trực tuyến cao nhất gồm: Bộ Tài chính có 207 dịch vụ, Bộ Công an có 202 dịch vụ và Bộ Giao thông vận tải có 203 dịch vụ. Trong các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh Thanh Hóa và Long An có số dịch vụ công trực tuyến cao nhất toàn quốc với số dịch vụ công ương ứng là 1.716 dịch vụ và 1.569 dịch vụ.

5. Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành kháchtăng 13,1% và luân chuyển tăng 27,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,6% và luân chuyển tăng 12,5%;khách quốc tế đến nước ta ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 3,8 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Chín ước đạt 524,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%) (quý III/2023 ước đạt 1.550,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước đạt 3.572,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 500,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 26,5 nghìn tỷ đồng, tăng 47,7%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 469,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%.

Trong 9 tháng, vận tải hành khách ước đạt 3.406 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 49%) và luân chuyển đạt 184 tỷ lượt khách.km, tăng 27,9% (cùng kỳ năm trước tăng 73,7%). Vận tải hàng hóa ước đạt 1.686,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 22,7%) và luân chuyển 359,8 tỷ tấn.km, tăng 12,5% (cùng kỳ năm trước tăng 31,7%).

Doanh thu hoạt động viễn thông 9 tháng năm 2023 ước đạt 254,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 0,1%). Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng số thuê bao điện thoại ước đạt gần 128,2 triệu thuê bao, giảm 1,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động là 125,9 triệu thuê bao, giảm 1%; thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định tại thời điểm cuối tháng Chín ước đạt gần 22,2 triệu thuê bao, tăng 6,2%.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9/2023[19]đạt hơn 1 triệu lượt người, giảm 13,4% so với tháng trước và gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 501,4 nghìn lượt người, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số 8,9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 7,8 triệu lượt người, chiếm 87,5% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt hơn 1 triệu lượt người, chiếm 11,8% và gấp 4,9 lần; bằng đường biển đạt 64 nghìn lượt người, chiếm 0,7% và gấp 129,6 lần. Khách đến từ châu Á đạt 6.855,2 nghìn lượt người, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 1.015,9 nghìn lượt người, gấp 3,9 lần; khách đến từ châu Mỹ đạt 682,8 nghìn lượt người, gấp 3,3 lần; khách đến từ châu Úc đạt 311,1 nghìn lượt người, gấp 3,7 lần; khách đến từ châu Phi đạt 20,4 nghìn lượt người, gấp 3,2 lần.

6. Trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và giữ ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt[20], thận trọng, chắc chắn, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Thị trường bảo hiểm đang gặp khó khăn nhất định do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng vừa qua đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực do tác động của tình hình quốc tế và trong nước, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt.

Tính đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 2,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% (cùng thời điểm năm trước tăng 4,04%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,73% (cùng thời điểm năm trước tăng 10,54%).

Tổng doanh thu phí bảo hiểm 9 tháng năm 2023 ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52,2 nghìn tỷ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113,4 nghìn tỷ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 28/09/2023, chỉ số VNIndex đạt 1.140,50 điểm, giảm 6,8% so với cuối tháng trước và tăng 13,25% so với cuối năm 2022; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 15/9/2023) đạt 6.349 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5% so với cuối năm 2022. Trong tháng 9/2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.254 tỷ đồng/phiên, tăng 2,3% so với bình quân tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 16.940 tỷ đồng/phiên, giảm 16% so với bình quân năm 2022.

Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 9/2023 đạt 5.537 tỷ đồng/phiên, giảm 5% so với bình quân tháng trước; tính chung 9 tháng, giá trị giao dịch bình quân đạt 5.770 tỷ đồng/phiên, giảm 24,9% so với bình quân năm 2022.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trong tháng 9/2022 đạt 226.029 hợp đồng/phiên, giảm 1% so với tháng trước; tính chung 9 tháng, khối lượng giao dịch bình quân đạt 225.613 hợp đồng/phiên, giảm 17% so với bình quân năm 2022.

7. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 9 tháng năm 2023theo giá hiện hành ước đạt 2.260,5 nghìn tỷ đồng, tăng5,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 đạt2.135,6nghìn tỷ đồng, tăng12,8%). Mức tăng chỉ tiêu này của quý III đạt 7,6% cao hơn mức tăng của quý II (5,6%) và quý I (3,6%). Điều này phản ánh kết quả nỗ lực của Chính phủ,các Bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2019 đến nay.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 9 tháng năm 2023 ước đạt 2.260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước (quý III ước đạt 902,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%), bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 634,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng vốn và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.250,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,3% và tăng 2,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 375,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,6% và tăng 3,9%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam[21]tính đến ngày 20/9/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 2.254 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 10,23 tỷ USD, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 43,6% về số vốn đăng ký; có 934 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,15 tỷ USD, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm trước; có 2.539 lượt với tổng giá trị góp vốn 4,83 tỷ USD, tăng 47%. Trong đó, có 994 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,72 tỷ USD và 1.545 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,11 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2023 có 84 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 244,8 triệu USD, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước; có 18 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 172 triệu USD, gấp 3,4 lần. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

8. Thu ngân sách Nhànước[22]9 tháng năm 2023ước giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.Chi ngân sách Nhà nước ước tăng14,1% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2023 ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán năm và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa đạt 1.013,7 nghìn tỷ đồng, bằng 76% và giảm 3,2%; thu từ dầu thô đạt 46 nghìn tỷ đồng, bằng 109,5% và giảm 22,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 163,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,5% và giảm 26,3%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2023 ước đạt 1.239,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán năm và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chi thường xuyên 9 tháng năm 2023 ước đạt 801,9 nghìn tỷ đồng, bằng 68,4% và tăng 5,7%; chi đầu tư phát triển đạt 363,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50% và tăng 43,5%; chi trả nợ lãi 72,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% và giảm 0,3%.

9. Trong tháng Chín, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa[23]ước đạt 60,53 tỷ USD,giảm 2,5% so với tháng trước vàtăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 497,66 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 8,2%; nhập khẩu giảm 13,8%[24].Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD.

a) Xuất, nhập khẩu hàng hóa[25]

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Trong quý III năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với quý II năm 2023. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%. Trong 9 tháng năm 2023 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 29,12 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Trong quý III năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 86 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11% so với quý II năm 2023. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,12 tỷ USD, giảm 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 152,87 tỷ USD, giảm 14,9%. Trong 9 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,7% tổng kim ngạch nhập khẩu(có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 39,3%).

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng Tám xuất siêu 3,44 tỷ USD[26]; 8 tháng xuất siêu 19,39 tỷ USD; tháng Chín ước tính xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 37,94 tỷ USD.

b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2022 (quý III ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 24,9%), trong đó: Dịch vụ du lịch đạt 6,6 tỷ USD (chiếm 46,5% tổng kim ngạch), gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 4,1 tỷ USD (chiếm 28,6%), tăng 6,6%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng năm 2023 ước đạt 20,9 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 7,5 tỷ USD), tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 9,1 tỷ USD (chiếm 43,6% tổng kim ngạch), giảm 5,9%; dịch vụ du lịch đạt 5,4 tỷ USD (chiếm 25,9%), tăng 9,9%. Nhập siêu dịch vụ 9 tháng năm 2023 là 6,7 tỷ USD.

10. Một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP[27], giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 1,08% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Chín tăng 3,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,66%. CPI bình quân quý III/2023 tăng 2,89% so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Trong 9 tháng năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục chịu tác động bởi diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội. Trong nước, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, giá sản xuất tăng, giảm đan xen. Chỉ số giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý III và 9 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất công nghiệp, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo xu hướng giảm.

a) Chỉ số giá tiêu dùng

Trong mức tăng 1,08% của CPI tháng 9/2023 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức tăng 8,06%. Một nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông, với mức giảm 0,23%.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng 9/2023 tăng 0,94% so với tháng trước; tăng 4,91% so với tháng 12/2022; tăng 7,83% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2023 tăng 1,53% so với tháng trước; tăng 0,35% so với tháng 12/2022; tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 2,29% so với cùng kỳ năm trước.

c)Chỉ số giá sản xuấtvà chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản quý III/2023 tăng 1,23% so với quý trước và tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,35% và giảm 2,49%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,83% và tăng 8,25%. Tính chung 9 tháng, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,99%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 7,34%.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý III/2023 giảm 0,15% so với quý trước và giảm 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất giảm 0,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,44%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,95%; dùng cho xây dựng tăng 0,81%.

d) Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa

Quý III/2023, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm 0,32% so với quý trước và giảm 2,18% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 1,77% và giảm 6,72%; tỷ giá thương mại hàng hóa tăng 1,48% và tăng 4,87%. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm 1,07% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 4,82%; tỷ giá thương mại hàng hóa tăng 3,94%.

II. TÌNH HÌNH XÃ HỘI

1. Lực lượng lao động có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tăng chậm do tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp thấp. Lao động có việc làm quý III/2023 tăng 523,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,3%, tăng 0,02 điểm phần trăm. Tính chung 9 tháng năm 2023, lao động có việc làm tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm.

Quý III/2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 52,4 triệu người, tăng 92,6 nghìn người so với quý trước và tăng 546 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, không đổi so với quý trước và tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 27,3%, tăng 0,5 điểm phần trăm và tăng 1 điểm phần trăm. Tính chung 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 760 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 26,8%, tăng 0,6 điểm phần trăm.

Lao động có việc làm quý III/2023 ước tính là 51,3 triệu người, tăng 87,4 nghìn người so với quý trước và tăng 523,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2023 là 2,3%, không đổi so với quý trước và tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,78%; khu vực nông thôn là 2,01%. Tính chung 9 tháng, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý III/2023 là 4,2%, trong đó tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của khu vực thành thị là 4,5%; khu vực nông thôn là 4,1%. So với quý trước, tỷ lệ này ở khu vực thành thị tăng 0,2 điểm phần trăm và khu vực nông thôn giảm 0,2 điểm phần trăm. Tính chung 9 tháng, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người, giảm gần 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 4,3% giảm 0,7 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 4,4% giảm 0,7 điểm phần trăm.

2. Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư, đời sống của hộ dân cư trong 9 tháng năm 2023 được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 khi tỷ lệ hộ dân cư đánh giá có thu nhập trong 9 tháng năm nay không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kỳ năm 2022 là 94,1%, tăng 10,9 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo 9 tháng năm 2022. Công tác an sinh xã hội tiếp tục đượccác cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.

Theo báo cáo từ địa phương, tính đến ngày 19/9/2023, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP là 3,2 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 3,1 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền và quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 6,4 nghìn tỷ đồng (riêng dịp 27/7 là gần 1,7 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ đột biến, bất thường (thiên tai, bão lũ…) phát sinh tại địa phương hơn 132,9 tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 27,9 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

Tính chung 9 tháng năm nay, Chính phủ cấp xuất tổng số gần 21,5 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 1,4 triệu nhân khẩu, trong đó: hỗ trợ gạo cho người dân dịp Tết 2023 là 16,9 nghìn tấn gạo cho 1,1 triệu nhân khẩu; hỗ trợ cho người dân kỳ giáp hạt năm 2023 là 4,6 nghìn tấn gạo cho hơn 309,8 nghìn nhân khẩu.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng nông thôn mới, lũy kế đến hết tháng 8/2023, cả nước có 6.031/8.167 xã (73,85%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 1.521 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 225 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 264 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 41% số huyện cả nước). Có 20 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm2022-2023, cả nước có2.272điểm thi với43.032phòng thi và1.024,1 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160 thí sinh, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104 thí sinh, chiếm 5,58%; số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47,769 thí sinh, chiếm 4,66%; số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155 thí sinh chiếm 3,33%.Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022 đạt98,88%.

Năm học 2023-2024, cả nước có 15,2 nghìn trường mầm non[28], bao gồm 12,1 nghìn trường công lập và 3,1 nghìn trường ngoài công lập; 26,1 nghìn trường phổ thông. Số giáo viên mầm non là 363,9 nghìn người; số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 837,8 nghìn người, bao gồm: 395,5 nghìn giáo viên tiểu học; 294,9 nghìn giáo viên trung học cơ sở và 147,4 nghìn giáo viên trung học phổ thông. Cũng trong năm học này, cả nước có 5,2 triệu trẻ em đi học mầm non; 18,3 triệu học sinh phổ thông, bao gồm: 9,4 triệu học sinh tiểu học; 6,1 triệu học sinh trung học cơ sở và 2,8 triệu học sinh trung học phổ thông.

Về giáo dục nghề nghiệp[29], tính đến tháng 8/2023, cả nước có 1.890 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm: 401 trường cao đẳng, 431 trường trung cấp và 1058 trung tâm GDNN. Số cơ sở GDNN ngoài công lập là 690 cơ sở chiếm 36,5% trong tổng số cơ sở GDNN. Tính đến hết tháng 7/2023, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn cả nước đã tuyển sinh được 1.055 nghìn người, đạt 46% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 220 nghìn người, đạt 41,5% và trình độ sơ cấp, các chương trình đào tạo nghề khác tuyển sinh được 835 nghìn người, đạt 47,3%.

4. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

9 tháng năm 2023, cả nước có 81,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (23 trường hợp tử vong); 70,7 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (21 trường hợp tử vong); 361 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (09 trường hợp tử vong); 11 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (02 trường hợp tử vong) và 251 trường hợp sốt phát ban nghi sởi.

Công tác tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19, từ ngày 08/3/2021 đến ngày 21/9/2023, tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 266,5 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 90,3 triệu liều; tiêm mũi 2 là 85,9 triệu liều; mũi bổ sung là 14,3 triệu liều; mũi nhắc lại lần 1 là 57,9 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17,9 triệu liều.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/9/2023 là 231,5 nghìn người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 113,7 nghìn người.

Về ngộ độc thực phẩm, tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 80 vụ với 1.356 người bị ngộ độc (15 người tử vong).

5. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa luôn được quan tâm; thể thao phong trào được duy trì, thể thao thành tích cao có những thành tích đáng
ghi nhận.

Kết thúc giải vô địch bắn súng thế giới diễn ra tại tại Baku, Ai-déc-bai-gian từ ngày 14/8-1/9/2023 Việt Nam xuất sắc dành vé tham dự Olympic Paris 2024; đội bóng chuyền nữ dành chức vô địch tại giải bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cup Ferroli 2023 được tổ chức tại Nhà thi đấu Lào Cai từ ngày 19/8-26/8/2023; đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc từ ngày 23/9-8/10 với 504 thành viên tham gia.

6. Tai nạn giao thông[30]tháng Chíntăng 4,4% so với tháng trước và tăng 49,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, số vụ tai nạn giao thông tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng (từ 15/8 đến 14/9/2023), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.231 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 894 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 337 vụ va chạm giao thông, làm 641 người chết, 510 người bị thương và 367 người bị thương nhẹ.

Tính chung 9 tháng năm 2023, trên địa bàn cả nước xảy ra 8.338 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 6.077 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.261 vụ va chạm giao thông, làm 4.765 người chết, 3.359 người bị thương và 2.443 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 9 tháng năm nay tăng 0,3% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 5%; số vụ va chạm giao thông giảm 10,6%); số người chết tăng 1,1%; số người bị thương tăng 13,4% và số người bị thương nhẹ giảm 5,4%. Bình quân 1 ngày trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, gồm 22 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 8 vụ va chạm giao thông, làm 17 người chết, 12 người bị thương và 9 người bị thương nhẹ.

7. Thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở một số địa phương.

Tính chung 9 tháng năm nay, thiên tai làm 98 người chết và mất tích; 103 người bị thương; 84,9 nghìn ha lúa và 25,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; gần 17,3 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; hơn 17,4 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong 9 tháng năm 2023 ước tính gần 2.547,8 tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 9 tháng năm nay đã phát hiện 13,2 nghìn vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 11,8 nghìn vụ với tổng số tiền phạt là 217,5 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn cả nước xảy ra 1.485 vụ cháy, nổ, làm 132 người chết và 115 người bị thương, thiệt hại ước tính 210,5 tỷ đồng, giảm 60,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt vụ cháy chung cư mini xảy ra ngày 12/9/2023 tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ, Hà Nội khiến 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương./.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/gdp-quy-iii-2023-tang-533-9-thang-tang-424-xu-huong-tich-cuc-hon-ngay-cang-ro-net-119230929092432797.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/gdp-quy-iii-2023-tang-533-9-thang-tang-424-xu-huong-tich-cuc-hon-ngay-cang-ro-net-119230929092432797.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        GDP Quý III/2023 tăng 5,33%, 9 tháng tăng 4,24% xu hướng tích cực hơn ngày càng rõ nét
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO