Gặp vị tướng - “kiến trúc sư” kế hoạch nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên

Hoàng Thanh| 30/04/2021 07:46

Viện Lịch sử khoa học (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Quân đoàn 3 tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975” tại TP. Plâyku (Gia Lai) vào ngày 29/5/2020. Về tham dự hội thảo có nhiều nhân chứng lịch sử đã từng tham gia Chiến dịch Tây Nguyên.

Trong đó, Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng LLVT Nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 là người có công lớn trong việc xây dựng kế hoạch nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử. Bên lề hội thảo, vị tướng già đã dành thời gian chuyện trò, kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên.

Trung tướng Khuất Duy Tiến phát biểu tại Hội thảo “Chiến thắng Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975”

Trung tướng Khuất Duy Tiến SN 1931, ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), khi mới 12 tuổi đã tham gia cách mạng. Lúc diễn ra Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, ông là Trung tá - Trưởng Phòng tác chiến Mặt trận Tây Nguyên (B3). Kể lại những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, kỷ niệm mà ông nhớ nhất đó là kế hoạch nghi binh do chính tay ông viết trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, được các đơn vị phối hợp thực hiện rất tốt.

Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, tháng 9/1974, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên được giao nhiệm vụ chuẩn bị mở Chiến dịch Tây Nguyên nhằm tiêu diệt địch theo đường 14 qua quận Đức Lập, giải phóng Gia Nghĩa, tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông) để mở hành lang chiến lược nối liền Tây Nguyên với Đông Nam bộ.

Tháng 1/1975, Bộ Tổng Tư lệnh lại xác định nhiệm vụ là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, trong đó mục tiêu then chốt, quyết định là thị xã Buôn Ma Thuột. Do đó, từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 2/1975, lực lượng của ta được tăng cường lên chiến trường Tây Nguyên. Cùng với việc tăng cường binh lực, Mặt trận B3 còn được bổ sung một lượng vật chất, vũ khí, trang thiết bị rất lớn.

Để giữ bí mật cho chiến dịch, tháng 10/1974, ông được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch nghi binh. Sau 2 tuần soạn thảo, kế hoạch nghi binh với 10 trang giấy viết tay của ông được phổ biến rộng rãi ở các đơn vị, với mật danh “Kế hoạch B”.

Trung tướng Khuất Duy Tiến trò chuyện thân mật với sĩ quan Quân đoàn 3

Trong suốt thời gian từ giữa tháng 11/1974 đến đầu tháng 3/1975, những phương án nghi binh được quân ta triển khai rầm rộ như đêm đêm các xe kéo pháo, xe tăng cơ động thay đổi vị trí; các xe vận tải tăng cường vận tải hàng hóa; quân dân ra sức củng cố hầm hào, công sự chiến đấu. Đồng thời, quân ta cho phao tin sắp đánh lớn ở Gia Lai, Kon Tum, khiến cho địch lập tức điều động lực lượng lên khu vực này, trong khi đó Buôn Ma Thuột không có kế hoạch phòng thủ.

Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, việc nghi binh nhằm đánh lừa địch dồn quân lên phía Bắc Tây Nguyên, trong khi 2 sư đoàn chủ lực của ta là Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 hành quân xuống Nam Tây Nguyên bao vây, cô lập Buôn Ma Thuột để giành thắng lợi then chốt. Kế hoạch nghi binh giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột thắng lợi không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn giảm mức thương vong thấp nhất cho lực lượng ta, đẩy địch vào thế bị động, bất ngờ, tạo thế tiến công liên tiếp giải phóng An Khê (12/3), Kon Tum, Plâyku (17/3), Kiến Đức (20/3), Gia Nghĩa (23/3). Sau khi làm chủ Tây Nguyên (24/3), thừa thắng xông lên, từ ngày 25/3 đến 3/4, quân ta tiến xuống đồng bằng ven biển giải phóng Bình Khê, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh...

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên và một số tỉnh duyên hải miền Trung, tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh cách mạng, làm thay đổi cơ bản lực lượng giữa ta và địch, đưa cuộc tiến công chiến lược phát triển thành Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung tướng Khuất Duy Tiến (bìa trái) cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai

Trung tướng Khuất Duy Tiến cho rằng, để làm nên chiến thắng cuối cùng, bên cạnh tinh thần chiến đấu dũng cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta còn là nghệ thuật quân sự sáng tạo, linh hoạt của các cấp chỉ huy, biết phân tích thế trận giữa ta và địch. Đó là sự kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta, là sự sáng tạo của Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới ánh sáng soi đường của Đảng, Bác Hồ, giúp quân đội làm nên những chiến thắng vẻ vang, tô thắm thêm lịch sử hào hùng của dân tộc.

Sau nhiều năm trở lại với chiến trường xưa, Trung tướng Khuất Duy Tiến rất vui mừng trước sự đổi thay của vùng đất này. Tâm sự với chúng tôi, ông vui nhất là đời sống người dân ở đây ngày càng khá lên, quân đội chính quy, hiện đại.

Tuy nhiên, ông cũng rất trăn trở là mặc dù có nhiều nỗ lực song hiện nay nhiều đồng đội hy sinh nhưng vẫn chưa tìm thấy để quy tập. Ông mong lực lượng quân đội, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, để các anh có nơi yên nghỉ đàng hoàng.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/gap-vi-tuong-kien-truc-su-ke-hoach-nghi-binh-trong-chien-dich-tay-nguyen-85981.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/gap-vi-tuong-kien-truc-su-ke-hoach-nghi-binh-trong-chien-dich-tay-nguyen-85981.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Gặp vị tướng - “kiến trúc sư” kế hoạch nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO