Gặp tác giả bài thơ "Lời gọi bên sông”

Bảo Ngọc| 06/11/2015 14:26

Nhà báo Lê Bá Dương, hiện đang công tác tại Báo Văn hóa, cơ quan thường trú khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên tại Nha Trang (Khánh Hòa). Nói đến Lê Bá Dương, nhiều người biết đến ông với tư cách là tác giả của 4 câu thơ nổi tiếng “Lời gọi bên sông”.

“Lời gọi bên sông” (còn được biết đến với tên gọi “Đò xuôi Thạch Hãn”) là bài thơ, theo như ông đó là “tiếng lòng”, là tâm tư, tình cảm, là sự thương tiếc những đồng đội đã từng kề vai, sát cánh chiến đấu cùng ông và hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn trong trận chiến ở thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Nhà báo Lê Bá Dương. Ảnh: Q.S

“Đò lên Thạch Hãn, ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

Những ngày cuối tháng 10/2015, Lê Bá Dương có chuyến công tác tại Đắk Nông. Giữa trung tâm tỉnh lỵ của địa phương ở cực Nam Tây Nguyên, ông kể cho chúng tôi bao điều về bài thơ năm nào. Năm 1987, khi về thăm lại huyện Triệu Hải, rạng sáng ngày 27/7, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, ông ra chợ mua rất nhiều hoa rồi thuê người chở xuống bến sông.

Tại đây, ông thuê một con đò của một bà mẹ ngư dân với giá 8.000 đồng/giờ để đi thả hoa trên sông. Thả hoa xong, vừa đúng 4 giờ thuê đò, ông lấy tiền trả cho bà mẹ thì bất ngờ mẹ quỳ sụp xuống lạy và khóc: "Mi làm rứa, răng mệ lấy tiền mi...". Rồi hai “mẹ con” cùng khóc trước sự sững sờ của những người bạn của ông vừa ào ra bến thuyền.

Sau đó, khi đang xuôi đò vào bờ thì ông thấy một con đò đi ngược dòng. Nhìn thấy mái chèo cứ khua mạnh xuống dòng nước, lòng ông tự nhiên xốn xao, xót thương và tiếc nhớ đến những người đồng đội cùng “vào sinh, ra tử” với mình, và đã anh dũng hy sinh, “hòa mình chôn sâu” dưới đáy sông Thạch Hãn. Và ông thốt lên bốn câu thơ, nguyên bản là:

“Đò lên Thạch Hãn, ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Tan chợ chiều xuôi, đò có vội
Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong”

Ông tâm sự: “Qua nhiều trận đánh, tự tay tôi đã vuốt mắt, chôn hàng trăm đồng đội. Không chỉ là những mất mát đến xót xa một lúc cả trăm, cả ngàn người lính, mà còn là nỗi đớn đau khi nhiều người lính không còn đủ hình hài để có thể cắm một cái bia ghi tên tuổi cho anh em. Có những người, sau khi chôn xong thì bị lũ cuốn trôi, hay bom lại xới lên, phải chôn lại... Riêng trong chiến dịch giải phóng và sau này bảo vệ thành cổ Quảng Trị, hàng trăm anh em chúng tôi đã nằm - chính xác hơn là tan hòa vĩnh viễn vào lòng sông Thạch Hãn và cả các dòng sông khác".

Nhà báo Lê Bá Dương bên tấm bia tạc bài thơ của mình năm 2012. Ảnh nhân vật cung cấp

Ngược dòng lịch sử, trong Chiến dịch Xuân – Hè 1972, từ ngày 28/6 đến 15/9/1972, khi quân đội ta bám chốt ngăn chặn địch tiến công tái chiếm Thành cổ Quảng Trị, đã có rất nhiều người lính vĩnh viễn nằm lại nơi đáy sông ở độ tuổi mười tám đôi mươi.

Sau này, đến cuối năm 1987, cố nhà văn Đỗ Kim Cuông, lúc bấy giờ đang công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Khánh (cũ) muốn đăng tải bài thơ “Đò xuôi Thạch Hãn” trên Tạp chí Cánh Én của Hội Văn nghệ Phú Khánh. Nhưng khi đọc thấy câu cuối có hai từ “Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong” liền nói với Lê Bá Dương là ý tứ câu thơ hơi ủy mị, kiểu khẩn cầu, không phù hợp lắm; có thể chỉnh sửa hoặc thay đổi câu thơ khác mang tính chất kêu gọi, hiệu triệu được không. Lúc đó, Lê Bá Dương suy nghĩ một hồi rồi đọc luôn hai câu thơ sau:

“Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

Từ đó trở về sau, 4 câu thơ trên ngày càng nổi tiếng mà mỗi khi nhắc đến Thành Cổ Quảng Trị thì rất nhiều người Việt Nam đều nhớ về “Đò xuôi Thạch Hãn”.

Bài thơ hiện nay được khắc trên bia đá bên bờ Thạch Hãn. Có thể nói, bài thơ thấm đẫm nghĩa tình đồng đội này đã chạm đến nỗi đau sâu thẳm về sự hy sinh, mất mát trong chiến tranh, làm rung động lòng người.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/gap-tac-gia-bai-tho-loi-goi-ben-song-42405.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/gap-tac-gia-bai-tho-loi-goi-ben-song-42405.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Gặp tác giả bài thơ "Lời gọi bên sông”
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO