Vinh dự được giao nhiệm vụ
Chúng tôi đến nhà họa sĩ Phong Ba vào một buổi sáng đẹp trời. Căn nhà nhỏ, giản dị nằm khuất sau con hẻm của đường Lê Lợi đầy hoa lá và ánh nắng dịu nhẹ. Họa sĩ đón chúng tôi với nụ cười thân tình. Qua lời giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp báo bạn thì ông tên thật là Liêu Tử Phong. Cha ông vốn là người gốc Hoa và mẹ là người Việt quê ở Bến Tre.
Họa sĩ Phong Ba (ngồi giữa) kể về kỷ niệm vẽ chân dung Bác Hồ. Ảnh: Lê Dung |
Ở cái tuổi 76, khuôn mặt họa sĩ Phong Ba cũng đã in hằn nhiều nếp nhăn của thời gian. Khi được hỏi về kỷ niệm vẽ chân dung Bác, họa sĩ như nhập tâm, ánh mắt xa xăm, bắt đầu kể về hành trình gian nan, vất vả của người dân khi xây dựng Đền thờ Bác Hồ ngay trong lòng địch.
Sau ngày Bác mất, với lòng thành kính, thương tiếc vô hạn, nhiều gia đình ở Trà Vinh đã tự lập bàn thờ Bác trong chính ngôi nhà của mình. Đến đầu năm 1970, hiểu được tâm nguyện của nhân dân nên chính quyền địa phương đã quyết định tiến hành việc xây dựng Đền thờ Bác ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức trên một giồng cát và bao quanh là lũy tre dày đặc.
Việc tiến hành xây dựng đền cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, do vị trí đền chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ Trà Vinh chưa đầy 4.000m theo đường chim bay, cách căn cứ hải quân của Mỹ chỉ 1.500 m và xung quanh có đến 20 đồn bót địch.
Chính vì vậy, công cuộc xây dựng đền được tiến hành hoàn toàn vào ban đêm để tránh phi cơ, phi pháo của địch, bảo đảm an toàn cho lực lượng. Hàng trăm lượt người từ già, trẻ, gái, trai đã tranh thủ từng đêm, bất chấp đạn bom quyết tâm xây dựng xong Đền thờ Bác trong thời gian sớm nhất.
Hàng ngày, bộ đội cũng phải chiến đấu giành từng tấc đất với giặc ngay bên cạnh Đền thờ Bác. Cũng chính vì nguy hiểm, ác liệt nên mặc dù Đền thờ Bác chỉ rộng khoảng 16 m2, nhưng quân và dân xã Long Đức đã phải vất vả xây dựng kéo dài đến tận 11 tháng.
Tuy nhiên, khi đền xây gần xong thì nảy sinh một vấn đề khó hơn là không có tấm ảnh nào của Bác Hồ để thờ. Khi ấy, họa sĩ Phong Ba được mời để vẽ chân dung Bác, nhưng trong tay ông lại không có tấm hình mẫu nào. Cục Tuyên huấn đã gửi rất nhiều ảnh Bác vào làm mẫu, nhưng ông không chọn được tấm nào vì không phù hợp.
Theo ông, trong tâm trí của mọi người Việt Nam thì Bác Hồ thường có hai phong cách. Phong cách thứ nhất là hình ảnh Bác như một ông tiên, tóc bạc và rất hiền hậu, bao dung. Phong cách thứ hai của Bác là một vị lãnh tụ nghiêm trang, kiên nghị và toát lên tinh thần chiến đấu rất cao.
Trong thời điểm lúc bấy giờ, quân dân miền Nam đang còn chiến đấu quyết liệt với kẻ thù nên rất cần một tấm ảnh của Bác như phong cách thứ hai. Hay tin, đồng chí Tư Kol, bấy giờ là ủy viên Ban Tuyên huấn tỉnh đã mang đến cho họa sĩ một tấm ảnh Bác mà ông cất giữ như báu vật từ những ngày tập kết ra Bắc. Họa sĩ Phong Ba xúc động và rất vui vì tấm ảnh đồng chí Tư Kol đưa chính là tấm mà ông đang rất cần. Khi đã có ảnh Bác như mong muốn thì họa sĩ lại gặp phải khó khăn khác là trong tay ông chỉ có màu nước, mực tàu và cọ nho. Trong khi đó, vẽ chân dung Bác phải vẽ bằng sơn dầu mới có thể để bền lâu được. Nhưng đang trong lúc chiến tranh ác liệt rất khó để mua được sơn dầu. Sau khi tìm mọi cách không được, họa sĩ chợt nhớ đến một người bạn cũ cũng làm họa sĩ và nhờ cung cấp sơn dầu cho ông. Vì sợ địch phát hiện nên khi đã chuẩn bị xong được mọi thứ cần thiết, bà con dựng chòi lá và đào hầm bí mật để họa sĩ yên tâm vẽ chân dung Bác.
Bức chân dung Bác Hồ đầu tiên do họa sĩ Phong Ba vẽ được đặt trong Đền thờ Bác Hồ. Ảnh: Đ.D |
Vẽ chân dung Bác bằng cả tấm lòng
Cũng theo lời kể của họa sĩ Phong Ba thì quá trình vẽ chân dung Bác hết sức vất vả, nguy hiểm. Cứ mỗi lần địch tấn công, họa sĩ lại phải mang bức phác họa chân dung Bác đi cất giấu. Vì bức chân dung Bác có kích cỡ lớn (70 x 110 cm) mà hầm thì lại quá nhỏ nên không thể mang xuống cất giấu được. Sau nhiều lần thăm dò địa hình, họa sĩ đã chọn một lùm cây bần mọc trên đám đất nằm cheo leo ngoài bờ sông. Lùm cây bần nửa kín, nửa hở, rất lý tưởng để vẽ và cất giữ bức chân dung Bác.
Bắt đầu từ đó, cứ đêm đến, họa sĩ lại xuống đồng mò cua, bắt cá làm thức ăn, còn ban ngày lại miệt mài vẽ tranh. Họa sĩ Phong Ba tâm sự: “Để tranh thủ vẽ cho kịp theo mong đợi của bà con, cứ 4 giờ sáng tôi dậy nấu ăn và chuẩn bị mọi thứ và đến 5 giờ là bắt đầu vẽ, đến trưa ăn cơm nguội và tiếp tục vẽ đến chiều tối. Để vẽ chân dung Bác theo ý tưởng, tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm, tìm hiểu, đọc tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, rồi chỉnh sửa, bổ sung cho bức họa. Khi vẽ, tôi chú ý làm sao để hình ảnh Bác có đôi mắt sáng, râu tóc đen và nhất là đầy ý chí chiến đấu. Với tình cảm, lòng kính yêu Bác từ nhỏ nên từng đường nét vẽ đều xuất phát từ tấm lòng, tấm chân tình của tôi. Có lẽ vì vậy, dù rất vất vả, nguy hiểm, nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Sau một thời gian, cấp trên cử một nữ đoàn viên về căn cứ giúp ông lo chuyện cơm nước. Bà con thấy ông vẽ chân dung Bác cũng gửi cho nhiều thức ăn với những lời dặn dò: Cứ lo họa ảnh Bác Hồ, đừng đi mò cua, bắt cá nữa. Sau hơn một tuần miệt mài thì bức họa chân dung Bác Hồ như mong đợi cũng đã hoàn thành với chất liệu sơn dầu. Mọi người ai nấy đều vui mừng khôn xiết vì khi đền thờ xây xong cũng đã có hình Bác Hồ để thờ.
Bức chân dung Bác Hồ của họa sĩ Phong Ba đã được Đảng bộ tỉnh Trà Vinh ghi nhận là bức chân dung đầu tiên của Bác Hồ được đặt tại Đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức. Ngoài bức chân dung đầu tiên đặt tại Đền thờ, họa sĩ Phong Ba còn vẽ hàng trăm bức họa về Bác Hồ và được xem là người chuyên vẽ chân dung Bác Hồ ở vùng đồng bằng sông nước miền Tây.
Họa sĩ tâm sự: “Bác Hồ luôn là biểu tượng của tất cả các vẻ đẹp thuần khiết, là tấm gương để các thế hệ con cháu học tập và noi theo. Về sau, tôi cũng vẽ rất nhiều chân dung về Bác, nhưng có lẽ quá trình vẽ bức chân dung Bác Hồ để đặt trong Đền thờ là những kỷ niệm khó quên và cũng là một vinh hạnh, niềm tự hào trong cuộc đời họa sĩ của tôi”.