Gánh nợ vì dịch tả heo châu Phi

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 14/04/2022 08:34

Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã gây ra nhiều thiệt hại cho nhà nông, nhất là đối với những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ. Thậm chí, nhiều người chăn nuôi heo còn phải gánh khoản nợ lớn sau khi dịch đi qua.

ADQuảng cáo

Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, thôn Vinh Đức, xã Đức Minh (Đắk Mil) cho biết, gia đình đã vay 200 triệu đồng từ ngân hàng về chăn nuôi heo. Đầu năm 2021, chị mua 1 con heo nái về nuôi.

Qua khoảng 6 tháng, heo mẹ đẻ được 8 heo con. Nhờ chăm sóc tốt, nên đàn heo của chị phát triển nhanh. Thế nhưng, gần tới ngày xuất chuồng, heo mẹ, heo con đều mắc DTHCP và chết. Cũng từ đó, chị rơi vào cảnh nợ nần, chưa biết khi nào mới trả được.

Xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) là một trong những vùng chịu ảnh hưởng lớn nhất do DTHCP. Cao điểm nhất là khoảng từ tháng 7-9/2021, xã có hàng chục hộ dân bị thiệt hại do dịch bệnh nguy hiểm này, với trên 1.000 con heo bị chết, phải tiêu hủy.

Nhiều hộ dân cũng vì thế mà rơi vào cảnh trắng chuồng, nợ nần chồng chất, khó phục hồi chăn nuôi. Trong đó, gia đình ông Lê Văn Trường, ở thôn 2, xã Đắk Sin là một ví dụ điển hình.

Đã trắng chuồng sau nhiều tháng, nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa thể tái đàn heo

Trước khi xảy ra DTHCP, gia đình ông đã vay vốn để đầu tư chăn nuôi heo. Tháng 8/2021, đàn heo của gia đình ông mắc DTHCP, dẫn đến chết hàng loạt. "Vợ chồng tôi “khóc đứng khóc ngồi”. 265 con heo lớn, nhỏ chỉ trong vòng mấy ngày bị sốt, bỏ ăn, nằm la liệt rồi chết", ông Trường cho biết.

Theo ông Trường, vốn đã biết về dịch bệnh này, nên ông đã chủ động đề phòng. Thế nhưng, không biết vì nguyên nhân gì mà đàn heo của ông vẫn mắc bệnh.

Vợ chồng ông vay 300 triệu đồng từ ngân hàng để chăn nuôi heo, đến nay chưa trả được đồng nào. Ngoài ra, gia đình ông còn nợ tiền cám, thức ăn chăn nuôi lên tới hàng trăm triệu đồng.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Lê Văn Trường, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp), chết 265 con heo do DTHCP, dẫn đến mắc khoản nợ rất lớn

"Nợ chồng nợ, vợ chồng tôi hiện rất khó khăn, không còn chút động lực nào để tiếp tục chăn nuôi trở lại", ông Trường phàn nàn.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sin, DTHCP đã gây ra nhiều thiệt hại đối với ngành chăn nuôi của xã. Trong đó, nhiều hộ dân vay ngân hàng với số vốn lớn để chăn nuôi heo, nay phải gánh nợ và gặp nhiều khó khăn.

Còn theo Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm hộ dân vay vốn để chăn nuôi heo. Hầu hết họ đều chịu thiệt hại do đàn heo mắc DTHCP. Đến nay, hầu như chưa ai trả hết nợ và cuộc sống còn rất khó khăn.

Năm 2021, toàn tỉnh có 141 hộ dân tại 8/8 huyện, thành phố bị thiệt hại do DTHCP. Tổng số heo mắc bệnh phải tiêu hủy là 4.072 con, trên 229.800 kg. Đến nay, DTHCP vẫn còn âm ỉ, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi của người dân.

Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đắk Nông xem xét khoanh nợ, giãn nợ đối với các hộ chăn nuôi heo bị thiệt hại do DTHCP.

Đến nay, đã có một số hộ được phía ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất. Tuy nhiên, phần lớn các hộ còn lại vẫn chưa thể vượt qua khó khăn, chưa thể khôi phục chăn nuôi heo.

Cũng theo Sở NN-PTNT, đơn vị đang phối hợp với các địa phương triển khai một số giải pháp hỗ trợ người dân phục hồi đàn heo. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên việc hỗ trợ cũng chưa mang lại nhiều hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gánh nợ vì dịch tả heo châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO