Theo số liệu mới công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tính đến cuối tháng 2/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, vốn thực hiện ước đạt khoảng 2,95 tỷ USD, tăng 5,4%.
Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2024, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 6,9 tỷ USD vốn đăng ký, vốn đầu tư mới có xu hướng giảm, trong khi vốn tăng thêm và vốn góp qua hình thức mua cổ phần lại tăng.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, có 516 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 2,19 tỷ USD, tăng 10% về số lượng dự án nhưng giảm 48,4% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, có 256 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 4,18 tỷ USD, tăng 42,2% về số lượt dự án và gấp gần 7,4 lần về số vốn.
Hoạt động góp vốn, mua cổ phần cũng ghi nhận 553 lượt giao dịch với tổng giá trị gần 529,8 triệu USD, giảm 26,3% về số lượt nhưng tăng 88,8% về giá trị vốn. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mức tăng mạnh của vốn điều chỉnh (tăng 635,7%) và vốn góp, mua cổ phần (tăng 88,8%) đã bù đắp sự sụt giảm 48,4% của vốn đầu tư mới, giúp tổng vốn đầu tư tăng 35,5% trong hai tháng đầu năm.

Lý giải về sự sụt giảm của vốn đăng ký mới, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết trong 2 tháng đầu năm, không có nhiều dự án lớn đăng ký mới. Chỉ có 4 dự án có vốn trên 100 triệu USD, với tổng vốn gần 502 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm 2024 có 8 dự án, tổng vốn đạt gần 2,38 tỷ USD.
Dù vậy, sự gia tăng về số lượng dự án mới và số lượt điều chỉnh vốn tiếp tục khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Họ không chỉ quyết định đầu tư mới mà còn mở rộng các dự án hiện hữu.
Về đối tác đầu tư, các nước châu Á tiếp tục dẫn đầu, với Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất. Trong 2 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đăng ký hơn 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 21,7% tổng vốn, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, riêng Samsung Display đã tăng vốn đầu tư thêm 1,2 tỷ USD.
Đứng thứ hai là Singapore với hơn 1,48 tỷ USD (chiếm 21,4% tổng vốn), giảm 32,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Tuy nhiên, xét về số lượng dự án, Trung Quốc dẫn đầu với 31% dự án đầu tư mới và 18,8% số lượt điều chỉnh vốn, trong khi Hàn Quốc đứng đầu về số giao dịch góp vốn, mua cổ phần (chiếm 27,1%).
Xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 18/21 ngành kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với gần 4,72 tỷ USD, chiếm 68,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 50,6% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với gần 1,5 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng vốn đăng ký, giảm 3,4%. Các ngành tiếp theo gồm hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ (354,6 triệu USD) và bán buôn, bán lẻ (gần 149 triệu USD).