Gần 600 cây gỗ rừng phòng hộ biên giới Đắk Nông bị đốn hạ
Vụ phá rừng khai thác gỗ quy mô lớn xảy ra tại rừng phòng hộ vành đai biên giới huyện Tuy Đức (Đắk Nông) với hàng trăm cây rừng bị đốn hạ.
569 cây gỗ bị cưa hạ
Ngay sau những ngày nghỉ tết, chúng tôi nhận được thông tin xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn ở vùng biên giới xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và tức tốc lên đường tìm hiểu sự việc.
Hiện trường vụ phá rừng thuộc các tiểu khu 1444, 1446, lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ vành đai biên giới Đắk Nông, nằm trên địa bàn xã Quảng Trực.
.jpg)
Có hàng trăm gốc cây lớn nhỏ bị đốn hạ để khai thác gỗ, chỉ còn phần gốc trơ trọi. Dấu vết cắt xẻ vẫn còn mới, nhựa cây ứa ra từ những thân gỗ bị cắt ngang.
Thân gỗ bị cưa thành từng khúc dài khoảng 2 – 3 mét để vận chuyển ra khỏi rừng. Theo thống kê từ lực lượng kiểm lâm, tổng cộng 569 gốc cây đường kính từ 12 - 52cm đã bị cưa hạ tại nhiều tiểu khu khác nhau.
Những cây gỗ như phượng rừng, bồm bộp, chò xót... đã bị đốn hạ không thương tiếc. Khối lượng gỗ bị khai thác ước lên tới cả 100m3, nhưng tại hiện trường chỉ còn hơn 32m3 và 30 ster củi.
.jpg)
Nhìn vào hiện trường phá rừng, một đồng nghiệp của chúng tôi phải thốt rằng: “Nhìn cảnh này mà xót xa. Việc phá rừng quy mô thế này phải có tổ chức, có sự tiếp tay, làm ngơ của lực lượng chức năng”.
Tại một khoảnh rừng thuộc tiểu khu 1444, nơi vừa có hàng chục cây gỗ bị cưa hạ, dấu vết khai thác gỗ vẫn còn rất rõ. Phần thân gỗ đã bị vận chuyển khỏi hiện trường, chỉ còn lại cành cây, lá cây chất thành đống.
Lực lượng kiểm lâm cũng tìm thấy một số công cụ còn sót lại, bao gồm những lưỡi cưa đã mòn và một số can nhựa đựng dầu, chứng tỏ những kẻ phá rừng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
.jpg)
Mở rộng kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện thêm hàng chục điểm phá rừng dọc theo tuyến đường tuần tra biên giới do Đồn Biên phòng 12 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) quản lý.
Lực lượng chức năng lần theo con đường này và phát hiện một chiếc xe cày độ chế đang vận chuyển gỗ trái phép ra khỏi rừng để đem đi tiêu thụ.
Người điều khiển phương tiện là Y Ngai Niê, một thanh niên mới 19 tuổi, đến từ huyện Cư M’gar (Đắk Lắk). Khi bị kiểm tra, Y Ngai Niê không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số gỗ đang chở.
.jpg)
Chiếc xe cày chất đầy những khúc gỗ vừa khai thác từ rừng. Từng thanh gỗ còn vương nhựa tươi. Tiến hành đo đếm, lực lượng kiểm lâm xác định xe chở 0,757m³ gỗ và 4 ster củi.
Một người dân địa phương đi ngang qua hiện trường tiết lộ: “Phá rừng như thế này không phải chỉ một hai người, mà có cả một đường dây đứng sau đó. Gỗ sau khi bị cưa hạ sẽ được vận chuyển nhỏ lẻ bằng xe độ chế để tránh bị phát hiện”.
Có sự tiếp tay?
Sau khi lập biên bản, toàn bộ tang vật gồm 32m3 gỗ và xe cày độ chế đã được lực lượng chức năng đưa về Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Đức - Đắk R'lấp để phục vụ điều tra, xử lý theo quy định.
.jpg)
Dù vụ việc đã bị phát hiện và các cơ quan chức năng đang vào cuộc, nhưng hiện vẫn chưa xác định được toàn bộ những đối tượng đứng sau vụ phá rừng này.
Một lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức nhận định: "Chắc chắn có nhiều người tham gia vào vụ phá rừng này. Chúng tôi nghi ngờ có sự tiếp tay. Đây là một vụ có tổ chức, chứ không phải lẻ tẻ vài người”.
.jpg)
Vụ phá rừng khiến nhiều người dân trên địa bàn tỏ ra bức xúc. Ông N.T.H, xã Quảng Trực, cho biết: “Tôi nhìn thấy cắt cây và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Họ làm ngang nhiên, rất coi thường phát luật”.
Trước những diễn biến phức tạp của vụ phá rừng này, ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, khẳng định: “Chúng tôi đã có báo cáo gửi lên cấp trên và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm vụ việc”.

Vụ phá rừng tại Tuy Đức vẫn đang được điều tra làm rõ. Lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục truy tìm các đối tượng liên quan, đồng thời tăng cường kiểm tra tại các điểm nóng để ngăn chặn tình trạng phá rừng tiếp diễn.
Theo lãnh đạo huyện Tuy Đức, vụ phá rừng diễn ra từ khoảng 20/1/2025 đến sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ thì bị phát hiện. Khu vực phá rừng thường xuyên có sự tuần tra, kiểm tra của bộ đội biên phòng và lực lượng bảo vệ rừng.