Công nhân vận hành đường ống dẫn dầu của Nga. (Ảnh: Bloomberg/TTXVN)
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang lên kế hoạch thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Nhật Bản trong tuần này, trong đó dự kiến nhằm vào lĩnh vực năng lượng và xuất khẩu có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Theo các nguồn thạo tin, các biện pháp mới sẽ được các nhà lãnh đạo G7 công bố trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ ngày 19-21/5 tới, trong đó nhằm vào việc né tránh các lệnh trừng phạt liên quan đến nước thứ ba, và tìm cách làm suy yếu hoạt động sản xuất năng lượng trong tương lai của Nga và hạn chế các hoạt động thương mại liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cũng hy vọng các nước thành viên G7 sẽ nhất trí điều chỉnh cách tiếp cận với các biện pháp trừng phạt để tất cả các mặt hàng xuất khẩu sẽ tự động bị cấm trừ các loại hàng hóa nằm trong danh sách được phê duyệt.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đây đã thúc đẩy các nước đồng minh G7 đảo ngược cách tiếp cận với các biện pháp trừng phạt của nhóm hiện nay vốn cho phép bán tất cả các mặt hàng cho Nga trừ một số loại hàng hóa rõ ràng bị đưa vào "danh sách đen."
Washington cho rằng sự thay đổi này có thể gây khó khăn hơn cho Nga trong việc tìm ra những lỗ hổng trong cơ chế trừng phạt.
Tuy nhiên, trong khi các đồng minh chưa nhất trí với cách tiếp cận này, giới chức Mỹ hy vọng một số lĩnh vực cụ thể liên quan đến công nghiệp quốc phòng của Nga sẽ bị áp dụng trừng phạt. Nhưng các lĩnh vực này vẫn đang được thảo luận.
Quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 vốn còn phải đàm phán và điều chỉnh trước khi được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản.
G7 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Pháp, Đức, Italy và Anh.
Trước đó, ngày 23/4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev nêu rõ Moskva sẽ đáp trả tương xứng nếu G7 áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa sang Nga.
Ông cũng đồng thời để ngỏ khả năng Nga chấm dứt thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen./.