FINMA cân nhắc kỷ luật ban lãnh đạo ngân hàng Credit Suisse

Đỗ Sinh | 27/03/2023 11:48

Theo Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA), Credit Suisse phạm phải nhiều sai lầm trong những năm gần đây và FINMA đã tiến hành 6 “hành động cưỡng chế” công khai đối với ngân hàng này.

FINMA can nhac ky luat ban lanh dao ngan hang Credit Suisse hinh anh 1Một chi nhánh ngân hàng Credit Suisse tại Lucerne, Thụy Sĩ, ngày 3/2/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) cho biết đang cân nhắc kỷ luật ban lãnh đạo ngân hàng Credit Suisse, sau khi ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ này buộc phải nhờ vào ngân hàng UBS giải cứu trong một thỏa thuận trị giá 3 tỷ franc (3,26 tỷ USD).

Nhật báo NZZ am Sonntag dẫn lời Chủ tịch FINMA, bà Marlene Amstad, nêu rõ hiện FINMA "vẫn để ngỏ" việc bắt đầu thủ tục tố tụng mới đối với ban lãnh đạo Credit Suisse, song bà nhấn mạnh trọng tâm hiện nay vẫn là “giai đoạn chuyển tiếp của vụ sáp nhập" và “bảo vệ sự ổn định tài chính.”

Khi được hỏi liệu có quy trách nhiệm cho ban lãnh đạo Credit Suisse về sự sụp đổ của ngân hàng này hay không, bà Amstad cho biết vẫn "đang cân nhắc các lựa chọn."

Theo bà, Credit Suisse đã phạm phải nhiều sai lầm trong những năm gần đây và FINMA đã tiến hành 6 “hành động cưỡng chế” công khai đối với ngân hàng này.

FINMA đã can thiệp và sử dụng những công cụ mạnh nhất của mình.

Bên cạnh đó, Chủ tịch FINMA tiếp tục bảo vệ quyết định của Thụy Sĩ xóa sổ 16 tỷ franc trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của Credit Suisse, trong khuôn khổ thỏa thuận sáp nhập giải cứu bắt buộc.

Bà Amstad giải thích: “Quy định đã nêu rõ rằng công cụ AT1 có thể bị xóa sổ hoàn toàn khi xảy ra một sự kiện bất thường, đặc biệt là khi chính phủ hỗ trợ khẩn cấp."

AT1 là một loại trái phiếu ngân hàng ra đời sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vốn được thiết kế để tăng vùng đệm an toàn cho các ngân hàng, đồng thời giải quyết rủi ro “quá lớn để sụp đổ” mà các ngân hàng có thể cần sự hỗ trợ của chính phủ nếu khủng hoảng xảy ra.

Nói cách khác, AT1 được thiết kế như một loại trái phiếu để chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu khi các ngân hàng gặp khó khăn.

Đây là loại trái phiếu đặc biệt, giống công cụ “bảo lãnh” cho các ngân hàng đang phá sản - trái ngược với gói cứu trợ kinh tế hoạt động bằng tiền của người nộp thuế - bằng cách chuyển thiệt hại sang các nhà đầu tư.

Do đó, những trái phiếu này mang lại lợi tức cao hơn, nhưng có rủi ro lớn hơn cho những người nắm giữ chúng vì nếu hoạt động kinh doanh của ngân hàng suy giảm mạnh, tổ chức đó có thể xóa nợ trái phiếu AT1 của mình.

Trả lời phỏng vấn của tờ SonntagsZeitung (Thụy Sĩ), Giám đốc Điều hành FINMA, ông Urban Angehrn, đã bảo vệ vai trò của FINMA trong giải quyết vấn đề của Credit Suisse trước khi tiếp quản ngân hàng này.

Ông khẳng định FINMA đã sử dụng các công cụ, can thiệp nhất quán đối với những trường hợp này và chúng đã phát huy tác dụng.

Giám đốc Điều hành FINMA khẳng định không điều hành Credit Suisse và trách nhiệm này thuộc về ban giám đốc và quản lý của ngân hàng.

Ông cho biết hiện đang có cuộc thảo luận công khai về việc tăng thẩm quyền cho FINMA, trong đó có quyền đưa ra hình phạt đối với những sai trái của ngân hàng.

Credit Suisse và UBS chưa đưa ra bình luận nào về những tuyên bố mới nhất của FINMA./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/finma-can-nhac-ky-luat-ban-lanh-dao-ngan-hang-credit-suisse/853571.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/finma-can-nhac-ky-luat-ban-lanh-dao-ngan-hang-credit-suisse/853571.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        FINMA cân nhắc kỷ luật ban lãnh đạo ngân hàng Credit Suisse
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO