Facebook cho dùng khuôn mặt để lấy lại tài khoản bị hack
Facebook và Instagram dùng video khuôn mặt để so sánh với ảnh đại diện, từ đó xác minh và trả lại tài khoản cho người dùng trong vòng một phút.
Trong thông báo tới người dùng Việt Nam, Meta cho biết đang thử nghiệm phương pháp xác minh danh tính qua video tự quay để giúp khôi phục tài khoản.
Người dùng có thể mất quyền truy cập vào tài khoản Facebook hoặc Instagram do quên mật khẩu, thất lạc thiết bị hoặc bị lừa cung cấp mật khẩu cho kẻ lừa đảo. Trước đây, các nền tảng sẽ yêu cầu xác minh danh tính bằng cách gửi giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận có chứa tên chủ tài khoản. Với phương thức mới, Meta cho biết sẽ cho người dùng tải video tự quay khuôn mặt, sau đó so sánh với những ảnh đại diện mà người dùng đăng trước đó.
Theo Meta, phương pháp này tương tự các công cụ xác minh danh tính dùng trong mở khóa điện thoại hoặc truy cập các ứng dụng yêu cầu eKYC hiện nay.
Cách làm này được khẳng định "là lựa chọn đơn giản, nhanh chóng khi cả quá trình xác minh chỉ diễn ra trong một phút". Ngoài ra, phương pháp mới được cho là khó bị lợi dụng hơn so với cách sử dụng tài liệu truyền thống.
Tuy nhiên, hình thức này cũng gây lo ngại khi trước đó, Facebook từng bị tòa án Mỹ phạt 1,4 tỷ USD vì thu thập khuôn mặt cho tính năng gợi ý tag ảnh.
Theo Meta, dữ liệu video selfie "được mã hóa và lưu trữ an toàn". "Meta sẽ xóa dữ liệu khuôn mặt ngay sau khi hoàn tất quá trình so sánh, dù kết quả trùng khớp hay không", nền tảng này khẳng định.
Tại Việt Nam, nhiều người cho biết từng mất tài khoản do hacker lừa đảo, chiếm đoạt, hoặc bị tạo tài khoản giả mạo, giả giấy tờ, sau đó báo cáo để đánh sập tài khoản chính chủ.
Meta nói "mong muốn bảo vệ người dùng và tài khoản của họ, dù không phải lúc nào cũng đạt kết quả hoàn hảo". Những kẻ lừa đảo sẽ không ngừng thay đổi chiến thuật để né tránh các cách thức và công cụ phát hiện, đòi hỏi nền tảng liên tục xây dựng và thử nghiệm biện pháp kỹ thuật mới.
Hãng cũng ghi nhận sự xuất hiện của các hình thức sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để thu hút sự chú ý, sau đó dẫn dụ người dùng vào trang lừa đảo, gọi là celeb-bait. Theo Meta, việc này vi phạm chính sách của nền tảng, nhưng khó bị phát hiện do chúng được thiết kế để trông giống quảng cáo hợp pháp, trong khi Meta chủ yếu dùng công nghệ tự động để kiểm duyệt quảng cáo.
Để ngăn chặn, công ty của Mark Zuckerberg đang thử nghiệm phương pháp mới nhằm phát hiện quảng cáo giả mạo. Nếu nghi ngờ quảng cáo sử dụng hình ảnh của nhân vật công chúng, hệ thống sẽ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để so sánh người trong quảng cáo với ảnh đại diện trên Facebook và Instagram của người đó. Nếu phát hiện mạo danh, hệ thống sẽ chặn quảng cáo đó.