Công việc tăng lên gấp bội
Trong 2 năm trở lại đây, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành Y tế tỉnh đã chuyển sang thực hiện nhiệm vụ kép, khi vừa chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh thông thường, vừa tập trung phòng, chống dịch. Mặc dù nhân lực không tăng nhưng khối lượng công việc tăng lên gấp bội đã gây quá tải, áp lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, với bao nhiêu công việc từ cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm đến quản lý, điều trị F0 tại cơ sở y tế và tại nhà.
Bác sĩ Trần Quang Hào, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đắk Nông cho biết: “Thời gian qua, ngành Y tế chịu rất nhiều áp lực, làm việc hết công suất cả ngày lẫn đêm. Số lượng con người không tăng lên, trong khi tình hình dịch bệnh phức tạp nên chúng tôi phải liên tục điều đội hình hỗ trợ từ địa phương này sang địa phương khác để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch”.
Công tác điều trị F0 nặng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu máy móc |
Suốt nhiều tháng qua, Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông) luôn hoạt động liên tục 24/24 giờ. Thạc sĩ Nguyễn Phước Phúc, Trưởng khoa chia sẻ: “Có thể nói, làm việc trong phòng thí nghiệm rất nguy hiểm, nguy cơ phơi nhiễm cao nhưng chúng tôi luôn phải gồng mình vì xung quanh mình còn hàng trăm, hàng ngàn người đang chờ kết quả xét nghiệm. Mỗi lần có mẫu từ các địa phương gửi lên là ekip nhanh chóng chong đèn xuyên đêm để làm sao trả kết quả một cách nhanh và chính xác nhất, phục vụ kịp thời cho công tác chống dịch”.
Quá tải điều trị F0 tại nhà
Với chủ trương quản lý, điều trị F0 tại nhà là nòng cốt, điều trị tại cơ sở y tế là thứ yếu, hiện nay, phần lớn các bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nếu đủ điều kiện cách ly thì đều được quản lý, hỗ trợ điều trị tại nhà. Khi tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt mức cao, việc điều trị F0 không triệu chứng tại nhà được đánh giá là phù hợp và đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp giảm tải cho cơ sở thu dung điều trị tập trung.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Văn Hùng, việc quản lý, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà đang trong tình trạng quá tải, bởi do nhiều địa phương địa bàn rộng, dân cư đông, nhân lực y tế mỏng... Chưa kể, nhiều cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bị mắc Covid-19 phải cách ly, điều trị, gây thiếu hụt nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, việc quản lý, điều trị F0 tại nhà ở một số nơi chưa thật sự nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương.
Nhân viên phòng xét nghiệm làm việc hết công suất |
Do đó, để công tác quản lý, điều trị F0 tại nhà đạt hiệu quả, chính quyền địa phương cần sự quan tâm nhiều hơn nữa để đồng hành cùng ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch.
Thiết bị phục vụ điều trị còn thiếu
Tại các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, nhất là điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch, mặc dù đã được quan tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị y tế nhưng thực tế trong điều kiện của tỉnh còn khó khăn, nhiều máy móc phục vụ điều trị còn thiếu.
Bác sĩ Huỳnh Vinh Tiền, Trưởng Khoa Hồi sức, tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Một số thiết bị như máy lọc máu liên tục, máy thở, máy theo dõi chức năng sống… hiện đã được trang bị, song với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì vẫn còn thiếu khá nhiều. Khoa đã có đề xuất với lãnh đạo bệnh viện và Sở Y tế để sớm phân bổ thêm máy móc, kịp thời phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng”.
Thực tế cho thấy, số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh đã dẫn đến quá tải hệ thống y tế và số người chuyển nặng, tử vong có xu hướng tăng lên. Để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất trường hợp F0 chuyển nặng, tử vong, việc tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị y tế và hỗ trợ tích cực của chính quyền các địa phương là rất cần thiết. Cùng với đó, mỗi người dân cần chủ động, nâng cao ý thức phòng, chống dịch để bảo vệ tốt nhất cho bản thân và những người xung quanh.