Kinh tế

EUDR - cơ hội để nông nghiệp Đắk Nông "làm mới mình"

Hồng Thoan 22/08/2023 05:00

Việc thực hiện Quy định về Chuỗi nông sản không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) là cơ hội để Đắk Nông nâng cấp ngành Nông nghiệp, hòa vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Tiêu chuẩn mới của châu Âu

Theo Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp Quốc (FAO), khoảng 420 triệu ha rừng của toàn thế giới biến mất trong giai đoạn 1990 – 2020. Diện tích rừng này lớn hơn diện tích châu Âu (EU); tương ứng khoảng 10% diện tích rừng toàn cầu

Mất rừng và suy thoái rừng là hai nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học. 90% hoạt động gây mất rừng được cho là do mở rộng diện tích nông nghiệp và liên quan đến một số hàng hóa nhất định.

caphe3(2).jpg
Canh tác cà phê đạt tiêu chuẩn châu Âu đang là thách thức lớn của nông dân Đắk Nông

EU là một trong những thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng có liên quan đến mất rừng và suy thoái rừng như: gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ.

Ngày 16/5/ 2023, Nghị viện châu Âu thông qua Quy định về Chuỗi nông sản không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR). Dự kiến, quy định có hiệu lực từ tháng 12/2024 đối với các nhà vận hành, doanh nghiệp lớn. Từ tháng 6/2025, EUDR áp dụng cả đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

EUDR có khá nhiều quy định tác động đến nông nghiệp Đắk Nông. Trong đó nổi bật nhất là quy định “thẩm định bắt buộc” với tất cả các doanh nghiệp đưa hàng hóa vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ EU.

Tiếp đến là quy định thiết lập, vận hành “hệ thống kiểm định” được xem xét và cập nhật một năm một lần, lưu trữ 5 năm. Quy định truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt…

5-quy-dinh-eu.jpg
Đồ họa: Ngọc Tú

Các hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của EUDR gồm dầu cọ, đậu nành, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, ca cao, gia súc. Một số sản phẩm có nguồn gốc từ nhóm sản phẩm trên như sô cô la, đồ nội thất, lốp xe, sản phẩm in... cũng phải tuân thủ EUDR.

EU hiện có 27 nước thành viên. Thị trường này có quy mô nhập khẩu hàng hóa lên tới mức 85 tỷ EURO/năm. Đắk Nông hiện có khá nhiều sản phẩm xuất khẩu sang EU như cà phê, hạt điều, cao su, hồ tiêu...

Không thể đứng ngoài cuộc

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN- PTNT, thực thi EUDR là một thách thức lớn. Nhiều loại nông sản bị ảnh hưởng bởi EUDR như gỗ, cà phê, cao su...

dscn5092(1).jpg
Gỗ - một ngành hàng của Đắk Nông chịu tác động bởi EUDR

Đến nay, Đắk Nông chưa có cơ sở dữ liệu về vườn cây, truy xuất nguồn gốc, phân lập vùng trồng. Tỷ lệ diện tích cây trồng được chứng nhận các tiêu chuẩn, liên kết còn thấp.

Quy mô sản xuất nông nghiệp Đắk Nông còn nhỏ lẻ, nên càng dễ bị tác động bởi EUDR. Chỉ riêng ngành hàng cà phê, Đắk Nông có khoảng 7.000 hộ phải chịu tác động.

dsc_0624(1).jpg
Nông hộ nhỏ sản xuất cà phê sẽ chịu nhiều tác động khi thực thi EUDR

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT, việc tuân thủ tốt EUDR là điều rất khó. Đắk Nông có nhiều việc phải làm ngay và làm lâu dài, mang tính tự nguyện.

Thế nhưng, triển khai thực hiện EUDR cũng là cơ hội mới cho nông nghiệp của Đắk Nông. Trước hết là cơ hội để Đắk Nông tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị sản phẩm có truy xuất nguồn gốc hợp pháp và bền vững với môi trường.

ban-sao-cua-tuyet-hao.-hop-xu-huong.-170-91.44-cm-.png
Ảnh: H.T

EUDR còn góp phần bảo vệ rừng, không gây suy thoái rừng. "EUDR mang lại cơ hội để nâng tầm giá trị nông sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp, HTX. Do đó các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân phải cùng tìm hiểu, thực thi quy định này", ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        EUDR - cơ hội để nông nghiệp Đắk Nông "làm mới mình"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO