EU với mục tiêu chống biến đổi khí hậu

THÁI AN| 29/04/2023 08:11

Các nước Liên minh châu Âu (EU) thông qua lần cuối các biện pháp cải cách lớn nhất đối với thị trường carbon của châu lục. Đây là bước đi quyết liệt nhằm thúc đẩy nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng của EU về chống biến đổi khí hậu. Là nhân tố phát thải carbon lớn thứ 3 toàn cầu, EU đặt mục tiêu đến năm 2030, lượng khí thải CO2 sẽ giảm 62% so với mức của năm 2005.

Một nhà máy thí điểm thu giữ CO2 ở Copenhagen, Đan Mạch, 24/6/2021. (Ảnh: Reuters)
Một nhà máy thí điểm thu giữ CO2 ở Copenhagen, Đan Mạch, 24/6/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo quy định của thị trường carbon châu Âu, các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp phải mua giấy phép phát thải CO2. Kể từ năm 2005, các lĩnh vực này đã giảm được 43% lượng khí thải, nhưng EU thúc đẩy thực hiện chương trình cải cách để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.

Các nước thành viên EU thông qua thỏa thuận mà Nghị viện châu Âu (EP) và các nhà đàm phán của các quốc gia thành viên nhất trí năm 2022, nhằm cải cách thị trường carbon.

Theo quy định mới, đến năm 2034, các nhà máy sẽ không được cấp giấy phép phát thải CO2 miễn phí như hiện nay, trong khi biện pháp này áp dụng với các hãng hàng không từ năm 2026. Khí thải của ngành vận tải biển sẽ được bổ sung vào thị trường CO2 từ năm 2024.

Sau gần hai năm đàm phán, EP đã thông qua thỏa thuận. Trong số 27 nước thành viên EU, có 24 nước ủng hộ cải cách, trong khi Ba Lan cho rằng các chính sách khí hậu của EU đang đặt ra các mục tiêu không thực tế.

Nhằm khuyến khích các quốc gia ngoài EU tăng các cam kết về khí hậu và bảo đảm hành động khí hậu toàn cầu, EP đã phê duyệt các quy tắc cho Cơ chế điều chỉnh carbon mới của EU (CBAM), được thực hiện theo từng giai đoạn từ năm 2026 đến 2034, đồng bộ với việc loại bỏ dần các khoản phụ cấp phát thải carbon miễn phí theo hệ thống mua bán quyền khí thải (ETS) của EU.

Theo quy định mới, đến năm 2034, các nhà máy sẽ không được cấp giấy phép phát thải CO2 miễn phí như hiện nay, trong khi biện pháp này áp dụng với các hãng hàng không từ năm 2026. Khí thải của ngành vận tải biển sẽ được bổ sung vào thị trường CO2 từ năm 2024.

Bên cạnh đó, các nước EU cũng thông qua việc áp đặt thuế nhập khẩu các hàng hóa có khí thải carbon cao từ năm 2026 gồm thép, xi-măng, nhôm, phân bón, điện và hydro. Các nhà nhập khẩu những hàng hóa này sẽ phải trả tất cả khoản chênh lệch giá giữa giá carbon thanh toán tại nước sản xuất và giá quyền phát thải carbon dioxide trong ETS.

Ngoài ra, các nước EU cũng ủng hộ kế hoạch ra mắt thị trường carbon mới có tính đến khí thải từ nhiên liệu được sử dụng trong ô-tô và các tòa nhà vào năm 2027, cùng một quỹ của EU có trị giá 86,7 tỷ euro để hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh hưởng do chi phí tăng.

Một thỏa thuận với các quốc gia thành viên được thông qua để thành lập Quỹ Khí hậu xã hội EU (SCF) vào năm 2026 nhằm bảo đảm rằng biến đổi khí hậu diễn ra công bằng và toàn diện về mặt xã hội. Các gia đình dễ bị tổn thương, doanh nghiệp siêu nhỏ, người sử dụng phương tiện giao thông đặc biệt bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu sẽ hưởng lợi từ điều này.

Những năm gần đây, giá giấy phép phát thải carbon của EU tăng vọt trước khả năng EU sẽ tiến hành nhiều cải cách. Điều này khiến những công ty gây ô nhiễm phải trả chi phí nhiều hơn, nhưng giúp huy động hàng tỷ euro cho chính phủ các nước EU để đầu tư vào các biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Ngày 25/4, giấy phép phát thải carbon của EU được giao dịch ở mức khoảng 88 euro/tấn, tăng gần gấp ba lần về giá trị kể từ đầu năm 2020. Tháng 2 vừa qua, các nước thành viên EU đã thông qua kế hoạch bán đấu giá sớm tín chỉ carbon nhằm tăng nguồn tiền mặt để giúp các nước này chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Theo tính toán, việc bán đấu giá tín chỉ carbon sẽ giúp huy động được 20 tỷ euro trợ cấp từ thị trường carbon của EU. Khoản tiền này sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng và triển khai nhiều dự án giúp các ngành công nghiệp loại bỏ carbon.

Trong việc đưa ra các cam kết giảm phát thải nhằm kiềm chế tình trạng ấm lên toàn cầu, Đức - nền kinh tế lớn nhất của EU, có nhiều mục tiêu tham vọng hơn, với cam kết cắt giảm 65% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Pháp đặt mục tiêu giảm 40% và dự kiến sẽ sớm cập nhật các mục tiêu của mình để đáp ứng các mục tiêu của EU. Dù được cho là đưa ra mục tiêu tham vọng, song với quyết tâm cao của các nước thành viên, EU đang thể hiện vai trò đầu tàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/eu-voi-muc-tieu-chong-bien-doi-khi-hau-post750394.html
Copy Link
https://nhandan.vn/eu-voi-muc-tieu-chong-bien-doi-khi-hau-post750394.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        EU với mục tiêu chống biến đổi khí hậu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO