Biểu tượng Facebook và Meta trên màn hình điện thoại và máy tính tại Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) hôm 3/10 đã bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo quy tắc nhắm đến các hạn chế kiểm duyệt nội dung của Google, Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) và các nền tảng trực tuyến lớn khác, sau khi một số cơ quan truyền thông lên tiếng về các quyết định xóa nội dung đăng tải một cách tùy tiện của họ.
Theo các quy tắc dự thảo, các nền tảng trực tuyến phải giữ nội dung tin tức trong 24 giờ trước khi gỡ xuống nếu những nội dung đó vi phạm quy tắc kiểm duyệt nội dung của họ.
Giới lập pháp EU cho biết các phương tiện truyền thông nên được phía nền tảng trực tuyến thông báo về ý định xóa hoặc hạn chế nội dung của họ, cùng với thời hạn 24 giờ để phương tiện truyền thông phản hồi.
Nền tảng có thể xóa, hạn chế hoặc chuyển vụ việc tới cơ quan quản lý quốc gia sau khoảng thời gian trên, nếu nội dung vẫn vi phạm các điều khoản và điều kiện của nền tảng.
Điều khoản này được biết đến với cái tên Điều 17 của Đạo luật Tự do Truyền thông mà Ủy ban châu Âu đề xuất vào năm ngoái, nhằm đảm bảo tính đa dạng của các phương tiện truyền thông cũng như tính độc lập trong biên tập thông tin. Theo giới quan sát, điều khoản này đã khiến các nền tảng trực tuyến gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Nhóm vận động hành lang cho ngành công nghệ CCIA Europe, với các thành viên bao gồm Google, Meta và X (tên gọi mới của Twitter), cho biết Điều 17 có thể bị một số kẻ lợi dụng để truyền bá thông tin sai lệch.
Trong một tuyên bố, bà Mathilde Adjutor, Giám đốc chính sách cấp cao của CCIA Europe, cho biết yêu cầu trên có thể tạo ra những kẽ hở mới, cho phép những kẻ lừa đảo truyền bá tin tức giả mạo thay vì cải thiện bất cứ điều gì.
Các nhà lập pháp châu Âu sẽ phải thảo luận chi tiết về các quy tắc được đề xuất với các nước thành viên EU trong những tháng tới, trước khi chúng có thể được thông qua.
Những lo ngại về sự can thiệp chính trị vào các phương tiện truyền thông đang gia tăng trước các cuộc bầu cử quan trọng ở Ba Lan trong tháng này và Nghị viện châu Âu vào năm tới./.