Phát biểu trước thềm cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng EU, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU cho biết, không phải tất cả các quốc gia thành viên EU đều sẵn sàng tham gia sứ mệnh này, nhưng cũng không có thành viên nào phản đối việc triển khai.
Theo ông Borrell, sứ mệnh của EU sẽ được đặt tên là Aspides (người bảo vệ), với nhiệm vụ chính là bảo vệ các tàu hàng khỏi các cuộc tấn công và triển khai đánh chặn tên lửa, nhưng không tham gia vào các cuộc tấn công chống lực lượng Houthi.
Ông Borrell cũng chia sẻ, sứ mệnh có thể được khởi động vào ngày 17/2 tới, đồng thời cho biết thêm, cơ cấu của lực lượng này, bao gồm cơ chế chỉ huy, nơi đặt trụ sở chính của phái bộ, thành phần tham gia lực lượng sẽ sớm được quyết định.
Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết, Pháp, Hy Lạp và Italia đã thể hiện sự quan tâm đến việc dẫn đầu sứ mệnh này, với 7 quốc gia thành viên EU cho đến nay bày tỏ sẵn sàng gửi lực lượng hải quân, đồng thời cho biết thêm rằng hoạt động này sẽ dựa trên các sứ mệnh hiện có của EU trong khu vực.
Cũng theo nguồn tin ngoại giao châu Âu, hoạt động ban đầu của sứ mệnh Aspides sẽ bao gồm 3 tàu dưới sự chỉ huy của EU. Pháp và Italia đã có tàu chiến trong khu vực, trong khi Đức có kế hoạch cử tàu khu trục Hesse tới khu vực này.
Houthi, lực lượng hiện kiểm soát phần lớn khu vực bờ Biển Đỏ thuộc Yemen đã tuyên bố tấn công bất kỳ tàu thuyền nào có liên quan đến Israel đi qua Biển Đỏ cho đến khi Israel chấm dứt các cuộc tấn công tại Dải Gaza.
Nhiều chủ hàng tàu thương mại và các công ty vận tải biển đã quyết định tạm dừng vận chuyển hàng hóa qua hoặc chuyển hướng khỏi tuyến hàng hải quan trọng này.
Tình hình tại khu vực đã làm dấy lên lo ngại rằng, sự gián đoạn tại một trong những huyết mạch thương mại hàng đầu thế giới có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Đáp trả các cuộc tấn công của Houthi, liên quân Mỹ-Anh trong thời gian qua đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu Houthi, cũng như đánh chặn nhiều tên lửa của lực lượng này.