EU-CELAC vẫn còn khoảng cách trong cách tiếp cận các vấn đề

Ngọc Tùng (TTXVN/Vietnam+)| 20/07/2023 18:17

Mặc dù nhất trí thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương và nhiều thỏa thuận thương mại đã được ký kết, song vẫn còn đó những khác biệt rõ ràng giữa hai khối về các vấn đề hiện tại.

EU-CELAC van con khoang cach trong cach tiep can cac van de hinh anh 1Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC ở Brussels, Bỉ, ngày 17/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với mục đích đưa lãnh đạo hai bên xích lại gần nhau hơn, hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa Liên minh châu Âu (EU) và Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) vừa khép lại tại thủ đô Brussels của Bỉ, tuy nhiên kết quả đạt được không hoàn toàn như kỳ vọng.

Mặc dù nhất trí thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương và nhiều thỏa thuận thương mại đã được ký kết, song vẫn còn đó những khác biệt rõ ràng giữa hai khối về các vấn đề hiện tại trong chương trình nghị sự toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC lần thứ nhất diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile (Chile) vào năm 2013, song mối quan hệ hai bên đã bị đình trệ trong 8 năm qua do những khoảng cách về lập trường chính trị, sự mất cân bằng về kinh tế và thương mại cũng như sự khác biệt về văn hóa. Bởi vậy, hội nghị tại Brussels được xem là cơ hội để chấm dứt tình trạng “đứt kết nối” giữa khu vực.

Theo chuyên gia Valdir da Silva Bezerra, Đại học Sao Paolo của Brazil, việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC cho thấy “Lục địa Già” tiếp tục thể hiện sự quan tâm nhất định đến Mỹ Latinh, đặc biệt trước sự hiện diện ngày một giảm sút của Mỹ trong khu vực về đầu tư và thương mại.

Cùng với đó, EU cũng nhấn mạnh ý định cạnh tranh với ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc tại khu vực rộng lớn này. Ngoài ra, các nước châu Âu cũng quan tâm đến các loại khoáng sản chiến lược, chẳng hạn như lithium từ Chile và Argentina.

Trong bối cảnh đó, EU đã hào phóng cam kết đầu tư vào khu vực Mỹ Latinh khoảng 45 tỷ euro (50,5 tỷ USD) từ nay đến năm 2027 thông qua chương trình đầu tư Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway), trong đó tập trung chủ yếu vào các dự án phát triển bền vững, chủ yếu là lĩnh vực năng lượng sạch và chuyển đổi xanh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursuala von der Layen nhấn mạnh với chương trình đầu tư này, EU mong muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và tạo ra chuỗi giá trị tại địa phương trong khu vực. Khoảng 130 dự án được thông báo, bao gồm nhiều lĩnh vực như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, chuyển đổi kỹ thuật số, đào tạo nghề, y tế, bao gồm sản xuất vaccine.

EU cũng ký kết thỏa thuận hợp tác năng lượng với Argentina và Uruguay, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác về chuỗi giá trị nguyên liệu thô bền vững với Chile.

Xét về nhiều mặt, nguồn vốn đầu tư 45 tỷ euro hay các thỏa thuận hợp tác là những tín hiệu đáng mừng đối với Mỹ Latinh.

Tuy vậy, Giáo sư người Argentina Hector Casanueva từ Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh (IELAT) của Đại học Alcala (Tây Ban Nha) cho rằng đó không phải là "một món quà."

Theo ông, đây là một khoản vay đi kèm với hàng loạt các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và năng lượng, cùng với đó là các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Nói cách khác, EU mong muốn áp đặt chương trình nghị sự về năng lượng và khí hậu của mình đối với Mỹ Latinh, đồng thời cố gắng kiểm soát các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên thiên nhiên chiến lược như khoáng sản hay nguyên liệu thô tại khu vực này.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC lần này, xuất hiện một số khác biệt giữa châu Âu với các nước Mỹ Latinh, bao gồm cách tiếp cận đối với xung đột tại Ukraine và nhu cầu cải cách cơ chế hợp tác chính trị-kinh tế trên trường quốc tế.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở lục địa châu Âu chính là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội hay khí hậu ở cấp độ toàn cầu.

Ngoài ra, theo nhà lãnh đạo quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này, việc các nước châu Âu phân bổ nguồn lực cho cuộc xung đột tại Ukraine khiến các khoản đầu tư cần thiết sang các lĩnh vực thiết yếu khác cho nền kinh tế, chẳng hạn như các chương trình xã hội, bị cắt giảm mạnh.

Cùng với đó, những nỗ lực của các nước Mỹ Latinh về một giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt chiến sự tại Ukraine lại vấp phải sự phản đối của các nhà lãnh đạo châu Âu.

Tổng thống Lula da Silva đã đề cập đến nhu cầu cấp bách trong việc cải cách các cơ chế hợp tác quốc tế, vì "các mối quan tâm chính đáng của các nước đang phát triển phải được giải quyết."

Trong khi đó, châu Âu dường như muốn trì hoãn mọi hình thức cải cách trong vấn đề quản trị quốc tế, qua đó gián tiếp ngăn cản việc phân bổ lại quyền biểu quyết cho các nền kinh tế mới nổi, bao gồm các nền kinh tế tại Mỹ Latinh.

EU-CELAC van con khoang cach trong cach tiep can cac van de hinh anh 2(Từ trái sang) Tổng thống Argentina Alberto Fernandez, Thủ tướng Saint Vincent và Grenadines Ralph Gonsalves, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC ở Brussels, Bỉ, ngày 18/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nước châu Âu vẫn tiếp tục ủng hộ việc duy trì đặc quyền mang tính hệ thống trong các tổ chức tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong bối cảnh đó, các cuộc thảo luận chung về các vấn đề như bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm hay nhân quyền đều khó đem lại kết quả toàn diện.

Một chủ đề quan trọng và nhận được sự quan tâm của các nền kinh tế lớn tại Mỹ Latinh là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR - gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay), được ký kết vào năm 2019 nhưng chưa được phê chuẩn, do các yêu cầu về môi trường của châu Âu.

Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, vấn đề này sẽ được giải quyết vào cuối năm nay.

Tuy vậy, trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị, việc EU đề xuất ký kết các thỏa thuận thương mại tự do đơn phương với Chile và Mexico đã gây bất ngờ cho các bên, khi điều này ám chỉ việc phê chuẩn FTA với MERCOSUR khó có thể được đẩy nhanh như kỳ vọng.

Giới chuyên gia cho rằng việc chưa thể thúc đẩy FTA là một phần nguyên nhân khiến EU đánh mất vị thế thương mại của mình ở Mỹ Latinh.

Một cuộc khảo sát được tiến hành năm ngoái cho thấy người Mỹ Latinh coi Trung Quốc là đối tác tốt hơn về công nghệ kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư so với EU, còn Mỹ là đối tác tốt hơn trong cuộc chiến chống nạn buôn bán ma túy, các chiến dịch chăm sóc sức khỏe và tiêm chủng.

Tựu trung lại, hội nghị thượng đỉnh tại Brussels là cơ hội để EU và CELAC mở rộng hợp tác toàn diện cùng có lợi, cùng nhau đối phó thách thức chung toàn cầu, vì sự phát triển của hai khu vực.

Hội nghị cho thấy các diễn đàn như CELAC ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc tế.

Mặc dù vậy, khi trở về từ Brussels, các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh sẽ phải tiếp tục đấu tranh để cải thiện vị thế của khu vực này trong thế giới đa cực hiện nay, đặc biệt là trong vấn đề hợp tác với các đối tác lớn như EU.

Vẫn còn khoảng cách trong cách tiếp cận của hai bên, và như nhận định của Ngoại trưởng Cuba, “sẽ không có cơ hội thành công ở Brussels” nếu EU không quan tâm tới các ưu tiên và lợi ích của khu vực Mỹ Latinh và Caribe./.

Ngọc Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/eucelac-van-con-khoang-cach-trong-cach-tiep-can-cac-van-de/876325.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/eucelac-van-con-khoang-cach-trong-cach-tiep-can-cac-van-de/876325.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        EU-CELAC vẫn còn khoảng cách trong cách tiếp cận các vấn đề
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO