Ngày 30/5, đại diện Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ hoanh nghênh quá trình bình thường hóa giữa Armenia và Azerbaijan. EU coi điều quan trọng là phải duy trì động lực lịch sử này và tránh các biện pháp, bao gồm cả những lời lẽ thù địch, có thể gây nguy hiểm cho tiến trình hòa bình.
Sau các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình được tổ chức tại Mỹ vào đầu tháng Năm, một cuộc họp của các nhà lãnh đạo đã diễn ra tại Brussels vào ngày 14/5.
Một cuộc họp tiếp theo dự kiến vào ngày 1/6 tại thủ đô Chișinău (Cộng hòa Moldova). Các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cũng đã gặp nhau tại Moskva (Nga).
Tại Brussels, các bên đã tập trung vào một số chủ đề chính, chẳng hạn như vấn đề biên giới, kết nối, vấn đề nhân đạo, quyền và an ninh của người Armenia sống trên lãnh thổ của khu tự trị Nagorno-Karabakh trước đây.
Các nhà lãnh đạo đã công khai tái khẳng định cam kết rõ ràng của họ đối với Tuyên bố Almaty năm 1991 và sự toàn vẹn lãnh thổ tương ứng của Armenia (29.800 km2) và Azerbaijan (86.600 km2).
EU hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan về vấn đề này và thiện chí rõ ràng của Armenia trong việc phân định biên giới song phương. EU cũng hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev sau đó.
Theo EU, bất chấp lịch sử xung đột khó khăn và những bất đồng trong quá khứ, tất cả các vấn đề cần được giải quyết hoàn toàn bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, và EU cam kết hỗ trợ các bên trong tiến trình này.
Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, chỉ hai ngày trước khi diễn ra các cuộc đàm phán mới hướng tới một hiệp định hòa bình để giải quyết các tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ về vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh, quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan lại gia tăng căng thẳng với những cáo buộc lẫn nhau.
Hãng thông tấn Armenpress của Armenia dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này cáo buộc Azerbaijan đã đe dọa sử dụng vũ lực và "chuẩn bị cơ sở cho hành động gây hấn nhằm vào người dân tại Nagorny-Karabakh."
Armenia đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 28/5 đề nghị giải tán cái gọi là hội đồng lập pháp tự xưng ở Nagorny-Karabakh./.