Các tay súng thuộc Lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) ở Mekele thuộc khu vực Tigray, Ethiopia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quốc hội Ethiopia ngày 22/3 đã đưa lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) ra khỏi danh sách khủng bố của quốc gia Đông Phi này.
Động thái này diễn ra 5 tháng sau khi Ethiopia đạt được thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở các vùng phía Bắc của đất nước. Đồng thời, với quyết định này, TPLF có thể trở lại hoạt động chính trị chính thức trong nước.
Quyết định của Quốc hội Ethiopia cũng đóng góp lớn vào việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận hòa bình được ký kết vào tháng 11 năm ngoái giữa TPLF và chính phủ liên bang Ethiopia.
Tuần trước, nhà đàm phán chính của TPLF Getachew Reda đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo lâm thời của chính quyền khu vực Tigray. Thời gian tới, khu vực này cũng sẽ tổ chức các cuộc bầu cử chính thức.
TPLF bị liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố hồi tháng 5/2021, khoảng 6 tháng sau khi xảy ra xung đột giữa lực lượng này và Chính phủ Ethiopia.
Đến đầu tháng 11/2022, Chính phủ Ethiopia và TPLF đã đạt được thỏa thuận hòa bình sau 9 ngày đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi (AU) tại Pretoria (Nam Phi).
Theo thỏa thuận này, hai bên cam kết ngừng các hành động thù địch ngay lập tức, giải trừ quân bị, cho phép nối lại việc cung cấp viện trợ và khôi phục các dịch vụ cơ bản.
Việc nối lại viện trợ cho Tigray là một phần quan trọng của thỏa thuận được ký kết ở Nam Phi nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Chính phủ Ethiopia và TPLF kéo dài 2 năm qua.
Khu vực có 6 triệu dân này đang bị thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, trong khi việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản bao gồm điện, ngân hàng và thông tin liên lạc bị hạn chế. Liên hợp quốc cảnh báo rằng nhiều người tại khu vực này đang trên bờ vực chết đói./.