Các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh trong sự kiện chào đón em bé thứ 125.000 chào đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. |
Em bé thứ 125.000 chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ngay tại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh. Bé là con của sản phụ H.T.N.C, 40 tuổi, trú tại thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Sản phụ đã trải qua hành trình “tìm con” trong suốt 9 năm, thăm khám tại nhiều cơ sở y tế khác nhau nhưng chưa có kết quả.
Các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh trong sự kiện chào đón em bé thứ 125.000 chào đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. |
Năm 2023, sau khi tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng, gia đình đã quyết định chọn Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để thực hiện bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia hiếm muộn hàng đầu từ Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh cùng đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản tại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, lần chuyển phôi đầu tiên được thực hiện vào ngày 6/8/2023 và thành công mỹ mãn.
Đến 10 giờ 52 phút sáng ngày 13/4/2024, sản phụ nhập viện trong tình trạng đau lâm râm hạ vị, thai 39 tuần 1 ngày. Sau thăm khám và làm cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ đã quyết định tiến hành mổ lấy thai để đón em bé chào đời vào ngày 14/4/2024.
Ngay sau khi chào đời, em bé được thực hiện da kề da với mẹ, và được đội ngũ bác sĩ nhi sơ sinh tầm soát toàn bộ các bệnh lý về tim mạch-vận động, bệnh lý võng mạc và thính lực ở trẻ. |
Để đánh dấu sự kiện ý nghĩa này, bên cạnh đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, ca mổ còn có sự góp mặt của những chuyên gia hiếm muộn hàng đầu từ Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh, những người đã đồng hành cùng đơn vị thụ tinh trong ống nghiệm Thiện Hạnh kể từ ngày thành lập.
Đó là Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ; Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Từ Dũ; tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Ngọc, Phó Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ; thạc sĩ Trần Thị Hạnh Dung, Trưởng Lab khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ; thạc sĩ Huỳnh Thị Thanh Giang, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Từ Dũ…
Ngay sau khi chào đời, em bé được thực hiện da kề da với mẹ, và được đội ngũ bác sĩ nhi sơ sinh tầm soát toàn bộ các bệnh lý về tim mạch-vận động, bệnh lý võng mạc và thính lực ở trẻ.
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh và Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà chúc mừng gia đình của em bé. |
Cũng để chào đón em bé thứ 125.000 chào đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh quyết định miễn toàn bộ viện phí cùng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé, đồng thời miễn phí tiêm vaccine cho bé từ 0 đến 5 tuổi.
Hiện nay, thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, Việt Nam thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất nhưng tỷ lệ vô sinh lại cao nhất, khoảng 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản ở Việt nam phải đối mặt với vấn đề hiếm muộn. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với dân số, kinh tế, xã hội, mà gần hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc mỗi gia đình.
Vì vậy, nhu cầu điều trị hiếm muộn ngày càng lớn, vừa gia tăng áp lực lên các bệnh viện phụ sản tuyến đầu, vừa hình thành gánh nặng cho người dân khi phải tốn thời gian, chi phí di chuyển đến các thành phố lớn.
Lãnh đạo Bện viện đa khoa Thiện Hạnh tặng hoa chúc mừng và cảm ơn lãnh đạo và các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ thành phồ Hồ Chí Minh. |
Đến năm 2023, dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm Thiện Hạnh chính thức đi vào phục vụ người dân Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên. Dưới sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, đào tạo chuyên môn, nhân lực của Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh, cùng sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc; đơn vị thụ tinh trong ống nghiệm Thiện Hạnh được đánh giá là một trong số những trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm hiện đại nhất tại Việt Nam, và là đơn vị thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Tây Nguyên có hệ thống timelapse - công nghệ nuôi cấy phôi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tăng tỷ lệ thành công lên gấp nhiều lần.