ECB chưa vội thảo luận về việc giải cứu trái phiếu chính phủ Pháp

Minh Trang| 17/06/2024 17:51

Thị trường tài chính Pháp đã phải chịu đựng một đợt bán tháo mạnh mẽ, khi các nhà đầu tư điều chỉnh chiến lược kinh doanh trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Pháp dẫn đến suy đoán về sự can thiệp của ECB.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ở Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ở Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ngân hàng này không có kế hoạch thảo luận về việc mua khẩn cấp trái phiếu Chính phủ Pháp.

Thị trường tài chính Pháp đã phải chịu đựng một đợt bán tháo mạnh mẽ vào cuối tuần trước, khi các nhà đầu tư điều chỉnh chiến lược kinh doanh trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Pháp dẫn đến một số nhà phân tích suy đoán về sự can thiệp của ECB.

Tuy nhiên, năm nhà hoạch định chính sách không công bố danh tính của ECB cho biết ngân hàng này không thảo luận về việc kích hoạt chương trình mua khẩn cấp trái phiếu Chính phủ Pháp, cũng không có kế hoạch thực hiện việc đó vào thời điểm hiện tại.

Các nguồn tin bày tỏ mức độ lo ngại khác nhau về quy mô bán tháo trái phiếu Chính phủ Pháp, khiến mức phí rủi ro của chúng so với trái phiếu Đức tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2011.

Nhưng nhìn chung, họ đồng ý rằng các chính trị gia Pháp cần thuyết phục những nhà đầu tư rằng họ sẽ thực hiện chính sách kinh tế hợp lý. Thậm chí hai nguồn tin còn gợi ý ECB không nên can thiệp trước khi một chính phủ mới của Pháp được thành lập và kế hoạch tài chính được công bố.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã cảnh báo rằng nền kinh tế nước này có nguy cơ rơi vào khủng hoảng tài chính sau các cuộc bầu cử vào ngày 30/6 và ngày 7/7.

Italy và Pháp đều đang thâm hụt ngân sách vượt quá quy định của EU, nghĩa là họ sẽ buộc phải siết chặt chi tiêu.

Chi tiêu của chính phủ Pháp trong vài năm qua đã chạm ngưỡng 57% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức cao nhất trong bất kỳ nền kinh tế phát triển nào. Vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp mới là rất khó khăn.

Kết thúc năm tài chính 2023, thâm hụt ngân sách của Pháp là 5,5% GDP, vượt quá mục tiêu 4,9% GDP của chính phủ.

Bất chấp những khó khăn chưa được tháo gỡ, chính phủ của Tổng thống Macron kỳ vọng vẫn đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới tiêu chuẩn giới hạn 3% GDP của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2027 - thời điểm kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Macron.

Trước tình hình trên, hai hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch và Moody's vẫn giữ nguyên mức đánh giá "triển vọng ổn định" đối với khoản nợ công trị giá 2.460 tỷ euro của Pháp, Còn hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp từ AA xuống AA- vì lo ngại tăng trưởng thấp hơn dự kiến.

Theo hãng này, nợ công của Pháp sẽ tăng lên khoảng 112% GDP vào năm 2027, tăng từ khoảng 109% GDP trong năm 2023, ngược với kỳ vọng trước đây./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/ecb-chua-voi-thao-luan-ve-viec-giai-cuu-trai-phieu-chinh-phu-phap-post959568.vnp
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ECB chưa vội thảo luận về việc giải cứu trái phiếu chính phủ Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO