Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 26/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng liên tiếp chưa từng có.
Với quyết định mới nhất, lãi suất tiền gửi của ECB vẫn ở mức cao kỷ lục 4% trong khi lãi suất cơ bản ở mức 4,5%.
ECB đã nâng lãi suất tổng cộng 4,5 điểm phần trăm kể từ tháng 7/2022 để chống lại sự tăng giá quá nhanh.
Tuy nhiên, tháng trước ngân hàng này "phát tín hiệu" sẽ tạm dừng khi chi phí đi vay cao kỷ lục đang bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Áp lực giá cuối cùng đã giảm bớt và lạm phát đã giảm hơn 1/2 trong một năm, trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm đến mức nguy cơ suy thoái đang ngày càng rõ, khiến thị trường đặt cược rằng việc tăng lãi suất đã kết thúc và động thái tiếp theo của ECB sẽ là cắt giảm.
Quyết định giữ nguyên lãi suất có thể củng cố kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), về cơ bản đã thực hiện chính sách thắt chặt, chấm dứt những đợt tăng lãi suất đồng bộ chưa từng có.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hiện tại trong bao lâu.
Một vấn đề phức tạp khác là chi phí năng lượng tăng cao, do cuộc xung đột mới ở Trung Đông, có thể khiến lạm phát chịu áp lực trong khi tăng trưởng chững lại.
Điều này báo trước một thời kỳ lạm phát đình trệ, tức là lạm phát cao trong khi tăng trưởng trì trệ.
Triển vọng của nền kinh tế dường như ngày càng bấp bênh.
Sản xuất công nghiệp đang chậm lại, các chỉ số tâm lý đang giảm, mức tiêu dùng trầm lắng và thậm chí thị trường lao động cũng bắt đầu yếu đi, tất cả đều cho thấy sự suy giảm trong nửa cuối năm 2023./.