Đường lớn nhờ sức dân
Người dân huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã đồng lòng hiến đất, hiến tài sản để những tuyến đường giao thông ngày càng rộng rãi, khang trang hơn.
Người dân huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã đồng lòng hiến đất, hiến tài sản để những tuyến đường giao thông ngày càng rộng rãi, khang trang hơn.
Cuối năm 2024, trục đường đi qua trung tâm xã Nam Dong, Cư Jút đã cơ bản hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng. Đường rộng thênh thang và có dải phân cách cố định ở giữa. Cờ hoa tung bay phấp phới.
Chỉ cách đây khoảng 1 năm, con đường này còn được mệnh danh là “con đường đau khổ”. Mặt đường nát bươm với vô số “ổ gà”, “ổ voi”. Bất kể trời mưa hay nắng, xe cộ đi lại rất khó khăn. Đời sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân hai bên đường cũng vì thế mà ảnh hưởng.
Con đường mới nâng cấp hoàn thành có nền đường rộng 26,5m. Trong đó, mặt đường thảm nhựa mỗi bên rộng 7,5m, có dải phân cách cố định rộng 1,5m ở giữa. Hai bên đường đều có vỉa hè rộng 5m mỗi bên. Đường có hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng theo tiêu chuẩn đô thị.
Công trình nâng cấp, cải tạo đường giao thông liên xã, đoạn đi qua trung tâm đô thị Nam Dong có tổng chiều dài hơn 4km. Công trình có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, chỉ gồm chi phí xây dựng và không có kinh phí giải phóng mặt bằng.
Để đường mở rộng, chính quyền đã vận động người dân hiến mặt bằng. Nhiều hộ dân Nam Dong đã chủ động di dời cổng, hàng rào, tài sản trên đất lùi sâu vào phía sau. Trong đó, những người đảng viên, người lớn tuổi đã gương mẫu đi đầu.
Gia đình ông Phạm Văn Tích (82 tuổi) sở hữu 25m mặt đường lớn qua trung tâm xã Nam Dong. Sau khi nắm bắt chủ trương, gia đình ông đã di dời toàn bộ tài sản trên đất lùi sâu vào 5 - 6m để nhường đất làm đường.
“Gia đình tôi hiến đất, hàng xóm xung quanh cùng hiến đất, người dân cả xã cùng hiến đất. Có đồng thuận như vậy thì đường mới to đẹp được như hôm nay. Chúng tôi rất tự hào khi được góp sức mình cùng sự phát triển của địa phương”, ông Tích phấn khởi.
Đứng trước con đường mới rộng rãi, ông Nguyễn Văn Khoán (84 tuổi) không giấu được niềm vui, niềm xúc động với sự thay đổi mạnh mẽ của quê hương Nam Dong.
Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông Khoán cùng một nhóm người vào xã Nam Dong công tác. Ông Khoán được bầu làm Chủ tịch UBND xã Nam Dong khóa đầu tiên (năm 1989).
Trong ký ức của ông Khoán, hình ảnh của hàng chục năm trước vẫn còn rất sâu đậm. “Hồi đó, tôi đi đến các thôn kiểm tra thì cứ phải xắn quần lên đầu gối. Mùa khô thì bụi mà mưa thì sình lầy. Xe đạp không đi được mà cũng không có phương tiện gì cả.
Những người như ông Khoán, ông Tích đã ở lại Nam Dong lập nghiệp, xây dựng quê hương thứ hai của mình. Mỗi khi có chủ trương làm đường, các ông không quản ngày đêm tuyên truyền vận động người dân trong xã hiến đất mở rộng đường.
Những đoạn đường đi qua đất của gia đình, các ông đều chủ động hiến trước để làm gương. Rồi gia đình các ông vận động hàng xóm, vận động người trong làng, trong xã cùng ủng hộ. Qua mấy chục năm, những con đường ở Nam Dong đã rộng hơn, dọc ngang thông suốt.
Nam Dong được thành lập năm 1989 và là xã đông dân nhất của huyện Cư Jút với hơn 18.400 nhân khẩu. Nam Dong đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và cơ bản hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Nam Dong Đào Thế Thái, việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong phát triển hạ tầng. Nhưng nhờ sự đồng lòng, góp sức của người dân, xã đã đạt được nhiều kỳ tích trong xây dựng cơ sở hạ tầng nói riêng, xây dựng nông thôn mới nói chung.
Người dân Nam Dong đã hiến khoảng 15,5ha đất cùng nhiều tài sản để xây dựng 19,5km của 12 tuyến đường.
Ông ĐÀO THẾ THÁI
Bí thư Đảng ủy xã Nam Dong
Gần 10 năm qua, Nhân dân xã Nam Dong đã hiến đất, hiến tài sản trên đất với tổng giá trị hơn 50 tỷ đồng. Trong đó, giá trị về đất khoảng 35 tỷ đồng, tài sản trên đất khoảng 15 tỷ đồng, tập trung ở giai đoạn 2022 - 2024.
Không riêng gì Nam Dong, việc hiến đất làm đường ở Cư Jút nhận được sự đồng thuận rất cao. Hiến đất làm đường lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều địa phương, trở thành phong trào sâu rộng ở Cư Jút.
Tại xã Tâm Thắng, từ năm 2020 - 2024, người dân địa phương đã hiến đất làm 9 dự án sửa chữa, nâng cấp, mở rộng đường giao thông. Tổng diện tích đất người dân đã hiến khoảng trên 7,4ha. Giá trị đất và tài sản trên đất người dân hiến ước tính khoảng 12,8 tỷ đồng.
Giữa thị trấn Ea T’ling, hiến đất làm đường đã từng là phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và làm nên nhiều kỳ tích. Trong số này, không thể không nhắc tới việc người dân hiến đất, mở rộng trục đường Nguyễn Văn Linh từ 16m rộng ra 22m.
Thống kê sơ bộ của UBND thị trấn Ea T’ling cho thấy, riêng tại tuyến đường Nguyễn Văn Linh, người dân đã hiến đất và tự tháo dỡ tài sản trị giá trên 10 tỷ đồng. Người dân còn chủ động đóng góp tiền của, ủng hộ để lát lại hệ thống vỉa hè dọc đường.
Người dân thị trấn Ea T’ling đã hiến đất, mở rộng nhiều trục đường khác như: Kim Đồng, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng… với tổng chiều dài trên 10km. Những tuyến đường mở rộng đã tạo ra diện mạo mới cho đô thị trung tâm của Cư Jút.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Ngô Quốc Phong cho biết, những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, hạ tầng giao thông là điểm sáng, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của địa phương.
Ông Phong chia sẻ: Nhiều dự án mở rộng đường chỉ có kinh phí xây lắp, không có kinh phí giải phóng mặt bằng. Việc triển khai các dự án này thực sự khó khăn và rất áp lực. Nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận mạnh mẽ của người dân, những trục đường đã được mở rộng. Sức dân đã tạo ra nhiều kỳ tích ở Cư Jút.
Theo Bí thư Huyện ủy Cư Jút Nguyễn Tuấn Phúc, tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Huyện ủy luôn xác định, muốn phát triển kinh tế - xã hội thì giao thông phải đi trước. Giao thông có mở lối thì sẽ phát huy tiềm năng, khơi thông được lợi thế, tạo điều kiện để giao thương.
Ban Thường vụ Huyện ủy Cư Jút đã họp và thống nhất chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng nghị quyết của chính mình. Nghị quyết xác định rõ tình hình thực tế tại địa phương, định hướng phát triển hạ tầng giao thông và đặc biệt quan tâm tới việc vận động người dân hiến đất, hiến tài sản trên đất để mở rộng đường.
Việc vận động người dân hiến đất ở Cư Jút được thực hiện chủ động và sớm, không đợi có dự án mới bắt đầu. Trên cơ sở quy hoạch, địa phương vận động người dân chủ động di dời tài sản, không xây dựng ở những khu vực quy hoạch mở rộng đường. Mặt bằng các dự án đường luôn được chuẩn bị sẵn để khi có tiền, khi có dự án là triển khai được ngay.
“Chủ trương của Đảng được người dân địa phương rất đồng tình, ủng hộ. Đến nay, bộ mặt giao thông nông thôn, giao thông đô thị ở Cư Jút đã có nhiều khởi sắc. Chúng tôi sẽ kế thừa những thành quả của giai đoạn 2020 - 2025, tiếp tục phát huy trong giai đoạn 2026 – 2030. Mục tiêu của Cư Jút là sẽ phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã trước năm 2030”, ông Phúc cho hay.
Nội dung, ảnh: Lê Phước
Trình bày: Phong Vũ