Y tế - Sức khỏe

Dược liệu Việt Nam: Thực trạng và chính sách để phát triển

AN BÌNH 01/08/2024 15:16

Việt Nam có nguồn tài nguyên cây dược liệu rất lớn, tuy có nhiều chính sách liên quan đến phát triển nhưng vẫn còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Theo TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế, Việt Nam từng bước xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gene và trung tâm nghiên cứu giống cây thuốc trong cả nước, trải dài ở các vùng sinh thái.

Thực trạng dược liệu hiện nay

Hiện chúng ta đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gene thuộc 884 loài cây thuốc, có nhiều loài quý hiếm thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng, loài đặc hữu, loài có giá trị kinh tế.

Những cây này được bảo tồn tại 7 vườn cây thuốc vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội); vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam Bộ (TP.HCM).

Tổng diện tích phát triển cây dược liệu là 357.178ha, trong đó diện tích trồng trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trồng dưới tán rừng là 220.178ha; trồng trên đất nông nghiệp, cả cây lâu năm và cây ngắn ngày là 137.000ha, tổng số loài cây dược liệu gây trồng là 150 loài cây khác nhau.

Tuy có nhiều chính sách liên quan đến phát triển nhưng dược liệu vẫn còn hạn chế.
Tuy có nhiều chính sách liên quan đến phát triển nhưng dược liệu vẫn còn hạn chế.

Vùng Tây Bắc bộ là 46.181ha, bao gồm 57 loài, trong đó chủ yếu là cây quế (10.312ha), thảo quả (6.543,7ha), sơn tra/táo mèo (14.634ha). Vùng Đông Bắc Bộ diện tích phát triển cây dược liệu là 270.565ha, bao gồm 59 loài; trong đó cây trồng chủ yếu là quế (160.207ha), hồi (59.525ha), thảo quả (16.155ha), ba kích (2.936ha); sa nhân (2.630ha).

Vùng Tây Nguyên diện tích phát triển cây dược liệu là 13.330ha, bao gồm 24 loài cây dược liệu; trong đó loài cây trồng chủ yếu là nghệ (2.894ha), sâm Ngọc Linh (1.750ha), gừng (1.179ha), sả (1.161ha).

Hiện Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành được trên 150 quy trình kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, chế biến của 40 loài cây thuốc làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân tham khảo.

Các đơn vị liên quan cũng đánh giá chất lượng nguồn gene, chọn lọc tạo được 74 giống cây dược liệu. Việc nuôi trồng dược liệu đáp ứng đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) bước đầu được quan tâm đầu tư với 76 vùng trồng được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận GACP-WHO.

“Thị trường dược ở Việt Nam là một thị trường được đánh giá là lớn thứ hai ở Đông Nam Á và có rất nhiều tiềm năng để phát triển”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Cơ chế, chính sách phát triển dược liệu

Theo chuyên gia Bộ Y tế, những năm qua, công tác phát triển dược liệu nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 20 năm 2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển dược liệu, chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý hiếm; ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển các vùng chuyên canh, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu; tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu ngoại nhập; giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dược liệu của nước ngoài.

Nghị quyết số 81 năm 2023, về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, phát triển dược liệu gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn vùng Tây Nguyên, vùng trung du và miền núi phía Bắc là một trong những định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng.

TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế)
TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế)

Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư nuôi trồng, chế biến, sản xuất, sử dụng nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh, phát triển ngành dược liệu như nuôi trồng cây dược liệu thuộc danh mục ưu đãi đầu tư trong chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; chính sách tín dụng ưu đãi cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý với mức cho vay lên tới 96 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối đa 10 năm, lãi suất ưu đãi 3,96%/năm.

Ông Ngọc nhấn mạnh, lần đầu tiên phát triển dược liệu được quan tâm đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước, chính sách tín dụng thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi góp tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm tỷ lệ các hộ nghèo bền vững.

Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến kích đầu tư phát triển dược liệu. Tại các địa phương có các cơ chế đẩy mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu trong nước thông qua các dự án phát triển nông thôn, miền núi và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tuy nhiên nguồn lực đầu tư còn rất hạn chế.

Các sản phẩm vẫn phần nhiều mang tính tự cung tự cấp tại địa phương, do cách làm manh mún, tự phát, thiếu liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị và đặc biệt thiếu thông tin thị trường quốc tế.

Các sản phẩm từ dược liệu trong nước thiếu sức cạnh tranh, do ít được đầu tư nghiên cứu chứng minh an toàn, hiệu quả.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược liệu có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư nghiên cứu nhu cầu thị trường quốc tế, chưa tham gia được chuỗi cung ứng thảo dược toàn cầu, chưa xây dựng được thương hiệu thảo dược Việt trên trường quốc tế.

AN BÌNH

Theo vtcnews.vn
https://vtcnews.vn/duoc-lieu-viet-nam-thuc-trang-va-chinh-sach-de-phat-trien-ar841961.html
Copy Link
https://vtcnews.vn/duoc-lieu-viet-nam-thuc-trang-va-chinh-sach-de-phat-trien-ar841961.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Dược liệu Việt Nam: Thực trạng và chính sách để phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO