Đời sống

Dược liệu Đắk Nông cần thêm "hoạt chất" để nâng vị thế thị trường

Dương Phong 12/12/2024 06:49

Đắk Nông có môi trường thuận lợi cho phát triển cây dược liệu, nhất là cây dược liệu dưới tán rừng. Tuy nhiên, hiện nay, dược liệu Đắk Nông chủ yếu được khai thác nhỏ, lẻ, chưa được chế biến sâu và chưa có vị thế trên thị trường.

Tiềm năng lớn nhưng thiếu chế biến sâu

Với diện tích rừng tự nhiên lớn, Đắk Nông có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển một số cây dược liệu trên quy mô lớn, đặc biệt là các cây dược liệu bản địa như bách bệnh, đảng sâm, sa nhân…

Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quản lý hơn 6.500ha rừng và đất rừng. Thác Mơ được thiên nhiên ban tặng nhiều loài dược liệu và cây thuốc quý, trong đó phải kể đến các loại cây như thiên niên kiện, sâm cau, sâm alipas và nhiều loại nấm có giá trị khác.

img_0335.jpg
Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ cho biết, tiềm năng dược liệu tại lâm phần do đơn vị quản lý rất lớn

Có nhiều sản vật quý nhưng theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, đây mới chỉ mang tính phát hiện. Để phát triển cây dược liệu hiệu quả, bền vững, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ cho biết, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị là khoanh vùng, quản lý, bảo vệ nguồn dược liệu và không có chức năng kiểm định, đánh giá chất lượng dược liệu.

Trong thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ đã ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp nhỏ để thực hiện khai thác, chế biến. Thế nhưng, vì một số lý do khách quan, đến nay, việc khai thác vẫn chưa được triển khai. “Giá trị dược liệu vẫn ở dạng tiềm năng, chưa thể khai thác và mang lại giá trị kinh tế”, ông Khương nói thêm.

dai-thanh-3-00a3e84f9098b006aaa1b1de72ca10bd(1).jpg
Qua khảo sát, tại rừng của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành đã xác định được hơn 300 loài dược liệu tự nhiên

Tương tự, tiềm năng dược liệu tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil là rất lớn. Qua khảo sát, công ty đã xác định được hơn 300 loài dược liệu tự nhiên trong rừng. Đặc biệt, trên lâm phần của công ty, có một số loại thuốc quý, nằm trong danh mục cần được bảo tồn.

Trước những tiềm năng, lợi thế từ nguồn dược liệu tự nhiên, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành là đơn vị đầu tiên ở tỉnh Đắk Nông mày mò phát triển thế mạnh về cây dược liệu để sản xuất rượu. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, dự án này vẫn chỉ dừng lại ở mức “thử nghiệm”, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành, trước đây công ty có ký hợp tác với một đơn vị chuyên về kinh doanh dược liệu. Sau đó, do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên việc hợp tác chưa đạt như kỳ vọng ban đầu.

Nâng vị thế cho dược liệu Đắk Nông

Hiện nay, cùng với việc triển khai xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ đã kiến nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, cùng các công ty dược liệu có những khảo sát, nghiên cứu, hỗ trợ đơn vị phát triển hiệu quả cây dược liệu dưới tán rừng.

“Việc tận dụng thế mạnh về rừng, đất rừng để phát triển các loài cây dược liệu không chỉ là phương án phát triển rừng một cách bền vững mà còn phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế của tỉnh”, ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ cho hay.

img_4833.jpg
Dược liệu Đắk Nông được phơi sấy thủ công, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chỉ thị 22, ngày 20/9/2017 về phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Ngày 28/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2314 về xây dựng đề án bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đắk Nông đến năm 2030. Đây là cơ sở để bảo tồn, khai thác, sử dụng và phát triển có hiệu quả nguồn dược liệu trồng và tự nhiên.

Mới đây, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Đắk Glong đã thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý. Một số loại dược liệu như sâm bố chính, sâm đương quy, cát sâm và nghệ… được trồng trên địa bàn xã Đắk Ha và Quảng Sơn với diện tích khoảng 70ha. Dự kiến, khi thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt trên 161 tấn.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, người dân có thể trồng xen dược liệu trong diện tích cây cà phê hoặc dưới tán rừng cao su. Với diện tích trồng lớn, tập trung ở 2 xã, dược liệu sẽ phát triển thành hàng hóa, có giá trị kinh tế, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, theo ông Phương, mặc dù có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển dược liệu nhưng khó khăn nhất hiện nay vẫn là đầu ra. Ông Phương cho biết: “Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng hiện nay, việc phát triển dược liệu vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa và sản xuất theo quy mô lớn. Trong thời gian tới, địa phương quan tâm, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dược liệu để đầu tư máy móc, công nghệ, hình thành các chuỗi giá trị dược liệu trên địa bàn”.

Hiện nay, dược liệu tại Đắk Nông mới chỉ được khai thác, chế biến thô, chưa mang lại giá trị kinh tế cao
Hiện nay, dược liệu tại Đắk Nông mới chỉ được khai thác, chế biến thô, chưa mang lại giá trị kinh tế cao

Trong khi đó, theo ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành, để nâng cao giá trị cho dược liệu thì phải sản xuất ra sản phẩm từ dược liệu có chất lượng. Để làm được điều này, cần phải có sự liên kết của nhiều bên, từ khâu trồng, nghiên cứu đến chế biến thành phẩm, để sản phẩm cuối cùng đem lại giá trị thật sự cho người dùng, cho doanh nghiệp và cho người trồng dược liệu.

“Chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học đối với các loại cây dược liệu, chú trọng bảo tồn, nhân giống và chế biến sâu. Đây không chỉ là giải pháp để phát triển bền vững ngành dược liệu mà còn nâng cao giá trị kinh tế cho dược liệu Đắk Nông”, ông Phan Bá Nhã nêu quan điểm.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Dược liệu Đắk Nông cần thêm "hoạt chất" để nâng vị thế thị trường
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO