---- Kinh tế

Dừng dự án nhà máy chế biến trái cây 500 tỷ đồng ở Đắk Nông

Phan Tuấn 18/03/2023 13:13

Tỉnh Đắk Nông có một công ty đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến trái cây quy mô 500 tỉ đồng. Thế nhưng, sau đó không lâu, chủ đầu tư dự án này quyết định dừng thi công, rút khỏi địa bàn này.

tuan.jpg
Đắk Nông có nhiều loại cây trồng có diện tích, sản lượng lớn trở thành vùng nguyên liệu bền vững để xây dựng nhà máy chế biến sâu. Ảnh: Phan Tuấn

Dự án 500 tỉ đồng... "chết yểu"

Cuối năm 2021, Công ty Cổ phần Orivi Highland tổ chức lễ khởi công nhà máy chế biến nông sản ở thành phố Gia Nghĩa. Theo công bố ban đầu, dự án này sẽ được xây dựng trên quy mô diện tích rộng hơn 2ha với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỉ đồng.

Dự án nhà máy chế biến trái cây có quy mô lớn nhất ở Đắk Nông từ trước đến nay dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào vận hành vào giữa năm 2022.

Dự án này động thổ đã mở ra một tương lai tươi sáng cho các loại trái cây đặc sản ở Đắk Nông như bơ, chanh dây, sầu riêng...

Sự ra đời của nhà máy được kỳ vọng sẽ góp phần tiêu thụ nông sản trực tiếp tại Đắk Nông và các tỉnh lân cận, Mặt khác, dự án này cùng hứa hẹn giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động địa phương.

Trái với kỳ vọng như kế hoạch ban đầu, sau lễ khai trương, doanh nghiệp này không triển khai dự án. Qua tìm hiểu cho thấy, chủ đầu tư dự án này quyết định chuyển hướng đến đến đầu tư ở địa bàn khác.

Như vậy, với bao chờ đợi, dự án xây dựng nhà máy chế biến trái cây có quy mô 500 tỉ động ở Đắk Nông chính thức "chết yểu". Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định thu hồi dự án này.

Nhiều lợi thế chưa được phát huy

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh có 4 ngành hàng chủ lực bao gồm: cà phê với diện tích 139.932ha, sản lượng 356.612 tấn (đứng thứ 3 toàn quốc); hồ tiêu có diện tích 33.985ha, sản lượng 69.762 tấn (thứ nhất toàn quốc); cao su với diện tích 24.355ha, sản lượng 34.810 tấn; điều với diện tích 16.849ha, sản lượng 16.445 tấn.

Ngoài ra, ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng có những ngành hàng tiềm năng khác đang được phát triển rất tốt như: sầu riêng với diện tích 6.139ha, sản lượng 22.281 tấn; bơ với diện tích 3.151ha, sản lượng 15.766 tấn; xoài với diện tích 1.805ha, sản lượng 11.385 tấn; mắc ca với diện tích 1.946ha, sản lượng 268 tấn; rau đậu các loại với diện tích 12.571ha, sản lượng 119.365 tấn.

Đối với nhóm cây hàng năm, Đắk Nông còn có diện tích cây ngắn ngày khá lớn, gồm có ngô với diện tích 40.619ha, sản lượng 264.628 tấn; lúa với diện tích 13.030ha, sản lượng 82.194 tấn.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng việc kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đắk Nông chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Hiện các nhà máy chế biến nông sản ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mới có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng hết nhu cầu sản xuất từ thực tế.

Cũng liên quan đến vấn đề này, cuối năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi giấy chứng nhận đối với 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Công ty Cổ phần thương mại Sachi Tây Nguyên, ở xã Thuận An (Đắk Mil).

Các sản phẩm bị thu hồi giấy chứng nhận đều được sản xuất từ sachi, một loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao. Có nhiều nguyên nhân ngành chức năng chỉ ra để thu hồi giấy chứng nhận các sản phẩm OCOP.

Trong đó, ngành chức năng nhận định doanh nghiệp không phát triển được vùng nguyên liệu. Điều này khiến doanh nghiệp không sản xuất được sản phẩm, buộc phải ngừng hoạt động và chuyển đổi hình thức hoạt động sang loại hình khác.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc tại tỉnh Đắk Nông. Trong chuyến công tác này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã bày tỏ sự tin tưởng vào sự phát triển nông nghiệp ở tỉnh Đắk Nông bởi ở đây có những lợi thế về mặt vị trí địa lý, đất đai và cả sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nói về việc "tại sao doanh nghiệp đến Đắk Nông rồi đi", Bộ Trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, do nguồn nguyên liệu người ta không có, hoặc khi có nguồn nguyên liệu thì không đồng đều. Thậm chí, khi có nguồn nguyên liệu thì còn đó vấn đề chất lượng, mùa này mùa khác.

Bộ Trưởng Lê Minh Hoan phân tích, có chất lượng rồi thì người cung cấp nguyên liệu có thể mùa này người ta cung cấp cho anh. Thế nhưng, khi thương lái tăng giá thì người ta đem ra ngoài bán hết. Doanh nghiệp khi xây nhà máy rồi cũng phải đóng cửa hoặc là mùa này có nguyên liệu nhưng mùa sau hết đi thì nhà máy để trống.

"Câu hỏi đối với nhà đầu tư nông nghiệp nó khác những nhà đầu tư công nghiệp. Vậy thì chúng ta muốn doanh nghiệp đến đây thì phải trả lời được những câu hỏi này cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi đến đây phải ổn định được ổn định vùng nguyên liệu, chất lượng phải đồng đều" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Theo Báo Lao Động
https://laodong.vn/kinh-doanh/nha-may-che-bien-trai-cay-500-ti-dong-o-dak-nong-vua-khoi-dong-da-rut-lui-1158940.ldo?gidzl=2iTmOddiCsK8tNPdUVipOWRSSM9ky6DX6zidC3ccO616tt9YD_0nO13NSsDYhZ9Z4z9tRZ967tGqVkutOG
Copy Link
https://laodong.vn/kinh-doanh/nha-may-che-bien-trai-cay-500-ti-dong-o-dak-nong-vua-khoi-dong-da-rut-lui-1158940.ldo?gidzl=2iTmOddiCsK8tNPdUVipOWRSSM9ky6DX6zidC3ccO616tt9YD_0nO13NSsDYhZ9Z4z9tRZ967tGqVkutOG
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Dừng dự án nhà máy chế biến trái cây 500 tỷ đồng ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO