Dựng chòi học chữ ở Đắk R'măng
12 học sinh lớp 1 ở cụm 8 Trường tiểu học La Văn Cầu ở xã Đắk R’măng (Đắk Glong) cùng sống chung tại một chòi tạm trên đồi cao, sát bên điểm trường để thuận tiện cho việc đi học.
Cùng nhau tự lực
Ở cái tuổi đáng được bố mẹ đưa đón, chăm sóc từng tý một thì 12 em phải tự mình lo liệu, từ học tập đến sinh hoạt hàng ngày.
Sau giờ học, không ai bảo ai, các em tự về tắm rửa, dọn dẹp nơi ở và lụi hụi bên 2 cái bếp củi. Bữa cơm đơn giản chỉ có nồi cơm, nồi canh, em nào "sang" hơn thì có thêm cá khô kho mặn. Có em chỉ chén cơm chan nước trắng nhưng ngồi ăn ngon lành đến lạ. Ăn xong, mỗi em tự rửa chén, đũa của mình.
Cứ mỗi tuần vài lần, các em nam thay nhau ra rẫy kiếm củi về nấu. Mùa này mưa thường xuyên nên các em lấy nhiều hơn, chất để dành xung quanh lán và cả dưới các kệ giường.
Nói là giường ngủ nhưng thật ra là những tấm phản gỗ mỏng được kết nối lại, đủ chỗ cho cả 12 em ngủ nghỉ. Tối đến, mỗi em một góc học bài.
Em Giàng A Phong (SN 2014) được xem là "anh cả" của nhóm vì lớn tuổi nhất tâm sự: “Em và các bạn ở đây từ đầu năm học này. Ban đầu, chúng em cũng sợ và buồn vì chưa quen, nhiều lúc tối đến còn khóc cả đêm, nhất là các em nhỏ hơn. Sau dần dần quen nhau, chúng em nấu ăn, dọn ăn cùng lúc, học bài cùng giờ, đi lấy củi và hái rau rừng cùng nhau, lấy nước thì phân công các bạn nam đi xách về. Tắm giặt thì chúng em được bác ở gần trường cho dùng miễn phí”.
Chòi cách sân trường chỉ vài bước chân, được bố mẹ các em dựng lên từ đầu năm học. Cách 1-2 tuần, bố mẹ lên đón các em về nhà một lần và mua cho thêm các vật dụng, lương thực, thực phẩm cần thiết như nước mắm, dầu ăn, cá khô, trứng, bắp sú, bầu bí… Vì vậy, đầu tuần lên khi nào bữa ăn của các em cũng sung túc hơn.
“Căn chòi này ngày mưa to cũng tạt ướt hết, những ngày nắng nửa đêm cũng rất lạnh vì ở trên đồi cao. Nhiều đêm trở mình thấy các em nằm co ro thương lắm mà không biết làm sao. Những gương mặt còn rất ngây thơ nhưng mỗi ngày đã phải tự lo cho bản thân, cảm giác như các em học sinh cấp 2 vậy",
Chị Sùng Thị Xông, ở chăm em Sùng Thị Chanh Ni (học sinh nhỏ nhất) cho biết:
Đến cuối tuần thì hầu như các em đều ăn cơm chay với canh rau rừng tự kiếm. Bạn nào còn lại thì vài con cá khô kho chia ăn thành nhiều bữa.
"Anh cả" Giàng A Phong cười: “Nhiều lúc tụi em chỉ ăn cho qua bữa, lười đi kiếm rau, cũng có hôm học cả ngày không đi hái được nên mỗi cơm với cá khô, hết cá khô thì ăn nước mắm, miễn là có cơm ăn”.
Chị Sùng Thị Xông, chị gái của em Sùng Thị Chanh Ni (học sinh nhỏ nhất) ở đây cho biết: "Bé Ni chưa biết tự lo nên tôi ở lại để chỉ bày cho em thêm một thời gian. Các em hầu hết có nhà ở xa trường, có em cách đến 20 km. Đường đi học cũng rất khó, nhất là khi trời mưa, các em còn nhỏ nên gần như không tự đến trường được. Bố mẹ cũng không có thời gian để đưa đón hàng ngày. Đầu năm, một số em phải nghỉ học nhiều do đường khó đi, nên người nhà cùng nhau làm một cái chòi cạnh trường. Ban đầu, bố mẹ cũng thay nhau ở lại với các em vài hôm, sau thì ai cũng bận nên tụi nhỏ tự ở với nhau".
Nhìn các em đang hồn nhiên đùa giỡn trước chòi, chị Xông vẻ mặt trầm ngâm: "Tôi ở đây được ngày nào thì cố gắng ngày đó bày vẽ thêm cho các em ăn uống hợp vệ sinh, biết bảo vệ bản thân, biết chia sẻ, giúp nhau trong cuộc sống hàng ngày. Thương các em mà không làm được gì hơn”.
Em nào cũng rất chăm chỉ
Tiếng trống tan trường, học sinh các lớp tản về nhà cùng bố mẹ, người thân với mâm cơm đợi sẵn. Sân trường còn lại các em nhỏ-cư dân của căn chòi, mắt dõi theo bóng các bạn cho đến khi khuất dần. Các em về chòi tranh thủ tắm rửa, nấu ăn để kịp học, làm bài tập cô giáo giao ban chiều.
Dưới bóng đèn sử dụng năng lượng mặt trời, các em chia từng góc tập đọc, tập viết. Nhiều em còn quay sang bày cho bạn bên cạnh. Dù không có người lớn nhưng các em học rất nghiêm túc, tự giác.
Cô giáo H’Soàn, giáo viên chủ nhiệm chia sẻ: “Ở lứa tuổi các em mà biết tự lập, thạo hết việc vặt, tôi thấy rất là giỏi so với các em ở ngoài trung tâm xã. Trong nhóm các em ở lại chòi thì mới đầu chỉ có 4 em là biết đọc, còn lại hầu như không biết đọc và không biết mặt chữ cái do không được học qua lớp mẫu giáo. Mỗi lớp chỉ học 1 buổi/ngày, riêng các em, tôi động viên đi học 2 buổi/ngày để hỗ trợ thêm".
Cứ tối đến tầm 7 giờ, cô giáo H'Soàn lại nghe tiếng ê a đọc bài của các em. Có những hôm trời lạnh buốt, tiếng đọc bài của các em như hơi ấm đối với những giáo viên đang "cắm bản". Với sự nỗ lực của cô và trò, đến nay tất cả các em đã biết hết mặt chữ cái, biết đọc.
Hiện nay, sau thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, các em tiếp tục bắt nhịp được với chương trình học kỳ II.
Mong một ngày ấm áp hơn
Không chỉ là chuyện học sinh "vượt đồi tìm chữ, ở chòi học chữ" mà nhắc đến Trường tiểu học La Văn Cầu ở xã Đắk R’măng, nhiều người vẫn còn nhớ đến hình ảnh các thầy cô giáo vượt đồi núi hàng chục cây số để dạy học trò vùng sâu của mình.
Các thế hệ giáo viên nhà trường thay phiên nhau vào điểm trường cụm 8 để dạy. Các cô giáo H’Soàn, H’Hà hiện nay được xem là "thế hệ thứ 4, thứ 5" vào điểm trường tiếp bước đồng nghiệp.
Theo Hiệu trưởng Hà Hữu Phong, Trường tiểu học La Văn Cầu hiện có trên 900 học sinh học ở một điểm chính và hai điểm phụ. Điểm trường ở cụm 8 là điểm xa trung tâm, đường đi lại rất khó khăn. Nhưng vì học trò, giáo viên trong trường xung phong thay phiên nhau ở lại để dạy. Dù đã được bổ sung thêm biên chế nhưng hiện điểm trường vẫn thiếu giáo viên nên mỗi lớp chỉ tổ chức dạy được 1 buổi/ngày.
Gần 100 học sinh tại điểm trường cụm 8 chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết đều chưa qua lớp mầm non nên giáo viên rất vất vả. Nhiều em nhà xa trường ảnh hưởng đến chất lượng học tập, những ngày mưa gió, số lượng học sinh nghỉ học nhiều hơn.
Khi phụ huynh lên trình bày và xin ý kiến để làm chòi cho con em ở lại học, trường cũng lo nhưng đây là cách hợp lý nhất để các em có thể tiếp tục đến trường, nếu không sẽ mất cơ hội được đi học. Hiện 2 giáo viên của trường đang “cắm bản” nên phần nào hỗ trợ, theo dõi thêm các em cả trong sinh hoạt và học tập.
Cũng theo Hiệu trưởng Hà Hữu Phong, việc đầu tư xây dựng điểm trường tại cụm 8 là nhờ có sự quan tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, đơn vị, cá nhân đã hỗ trợ, rút ngắn được khoảng cách đến trường của học sinh trong vùng.
Tuy nhiên, nhiều em hoàn cảnh rất khó khăn, nhà ở quá xa trường, không bảo đảm được cho việc học tập hàng ngày. Hai giáo viên hiện cũng đang sử dụng một phòng học để làm nơi ở tạm.
Mỗi lần vào thăm, thấy cô trò miệt mài dạy, học trong điều kiện còn khó khăn, trường chỉ mong sao sẽ xây được cơ sở bền vững hơn, nhất là có được một khu nhà bán trú, đem lại sự ấm áp hơn.
Một ngày trải nghiệm cùng cô trò tại cụm 8, chúng tôi cảm nhận được thêm nhiều chuyện về nỗi vất vả và hiếu học trên vùng đồi núi hun hút này. Nụ cười hồn nhiên, cánh tay vẫy chào tạm biệt của hai cô giáo và các em nhỏ khi đứng cạnh căn chòi tạm như thể hiện được sự quyết tâm bám trụ để tìm con chữ và mong có nơi ở ấm áp hơn.