Ngoài ra, khoảng 1,3 triệu vị trí khác dự kiến bị bỏ trống từ nay đến năm 2030, do nhân viên nghỉ hưu. Giáo dục tiểu học và trung học là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng thiếu nhân lực tại Ðức.
Thiếu lao động lành nghề là một trong những thách thức lớn của nền kinh tế Ðức. Ðể xoay chuyển tình hình hiện tại, Quốc hội Ðức đã thông qua luật nhập cư mới nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu vực doanh nghiệp và dịch vụ công. Chính phủ liên minh tại Ðức muốn thu hút 400.000 lao động nước ngoài có tay nghề cao mỗi năm để tái cân bằng cơ cấu dân số vốn đang già đi và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng.
Cơ quan Thống kê Canada cho biết, Canada thiếu hụt hàng chục nghìn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng. Theo đó, từ tháng 1/2023 đến nay, ngành xây dựng Canada đã mất 71.000 nhân lực. Bên cạnh xây dựng, các ngành hành chính công, thông tin, văn hóa, giải trí, vận tải, kho bãi cũng thiếu nhân viên nghiêm trọng. Giới chuyên gia cho rằng, làn sóng nghỉ hưu sắp tới khiến tình hình tồi tệ hơn.
Bộ trưởng Nhập cư, Tị nạn và Quốc tịch Canada Marc Miller khẳng định, cuộc khủng hoảng nhà ở tại nước này sẽ không được giải quyết nếu không có sự hỗ trợ của lao động nhập cư có tay nghề cao. Theo ông Miller, Chính phủ Canada đang nỗ lực hạ nhiệt giá nhà và thu hút lao động trong lĩnh vực xây dựng để đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Canada đặt mục tiêu chào đón hơn 450.000 người nhập cư mới vào năm 2024 và 500.000 người năm 2025.