Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đức đang phối hợp với các đồng minh và tăng cường nỗ lực vận chuyển ngũ cốc bằng đường sắt ra khỏi các hầm chứa nhằm đảm bảo ngũ cốc của Ukraine không bị hỏng sau khi Nga tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Phát biểu bên lề hội nghị ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cáo buộc Nga “hăm dọa” và cố tình sử dụng ngũ cốc như một thứ vũ khí gây bất lợi cho thế giới.
Bà Baerbock nêu rõ: “Hàng trăm nghìn người, thậm chí hàng triệu người đang rất cần ngũ cốc của Ukraine. Đó là lý do chúng tôi đang phải làm việc với tất cả các đối tác quốc tế để đưa ngũ cốc trong các hầm chứa ở Ukraine ra ngoài, tránh bị hỏng trong vài tuần tới và đến được tay người cần trên thế giới."
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc các quốc gia phương Tây đang làm “sai lệch” thỏa thuận ngũ cốc, do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho rằng Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen phải được duy trì và có thể vận hành mà không có sự tham gia của Nga, sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận này vào ngày 17/7.
Nga đã quyết định dừng tham gia Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen làm dấy lên lo ngại ở những nước nghèo rằng diễn biến này sẽ đẩy giá lương thực tăng cao vượt khả năng chi trả của người dân.
Thỏa thuận kéo dài một năm qua này cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc thông qua một hành lang vận chuyển an toàn ở Biển Đen.
Nga cho biết nếu yêu cầu cải thiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này được đáp ứng, Nga có thể cân nhắc tái tham gia thỏa thuận trên.
Theo ông Zelenskiy, Ukraine là nguồn cung cấp lương thực cho 400 triệu người. Ông khẳng định: "Ukraine, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỹ có thể đảm bảo việc vận hành một hành lang lương thực và kiểm tra các tàu vận chuyển. Điều này rất cần thiết với toàn thế giới."
Trong một thông điệp khác được đăng trên ứng dụng Telegram, ông Zelenskiy cho biết trong một cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, hai nhà lãnh đạo này đã nhất trí hợp tác với nhau, và với các nước liên quan, để tái lập an ninh lương thực và nối lại hoạt động vận chuyển lương thực qua Biển Đen.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Phi (AU) ngày 18/7 đã bày tỏ "lấy làm tiếc" về quyết định của Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép các tàu chở ngũ cốc di chuyển một cách an toàn từ các cảng biển của Ukraine qua Biển Đen.
Trong một phát biểu đăng tải trên tài khoản Twitter chính thức, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat nói rằng: "Tôi lấy làm tiếc về việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen mà AU đã ủng hộ ngay từ đầu. Tôi kêu gọi các bên giải quyết mọi vấn đề để nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc và phân bón một cách an toàn từ Ukraine và Nga đến những nơi cần chúng, đặc biệt là ở châu Phi"./.