Từ khi ta sinh ra, mẹ đã nuôi dưỡng ta bằng dòng sữa nóng ấm, bằng lời ru à ơi…ân tình xuất phát từ lòng mẹ. Đó là tiếng lòng thiết tha, dịu dàng, trìu mến nhất, đem đến cho ta những âm điệu đầu tiên, giúp ta cảm nhận được tín hiệu của ngôn ngữ.
Hạnh phúc giản đơn. Ảnh tư liệu |
Mẹ luôn ở bên cạnh chăm sóc ta từ miếng ăn, giấc ngủ, lúc ốm đau và luôn vui với niềm vui của con. Lòng mẹ cũng nặng trĩu u buồn khi con có những vấp váp trong đời và là người tiếp thêm sức mạnh cho con tự đứng lên và trụ vững trên đôi chân của mình để đi tiếp quãng đường dài gập ghềnh phía trước.
Tục ngữ có câu “Mẹ khôn thì con nhờ, mẹ khờ thì con dại”. Người mẹ hiền lành, chăm chỉ, nhận thức được những điều hay - dở, có lòng yêu thương gia đình, con cái, biết hy sinh cho chồng con: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” thì những thành viên trong gia đình đó thật hạnh phúc, con cái nhất định sẽ nên người.
Mẹ tôi như nhánh mạ gầy
Hóa thân thành bát cơm đầy nuôi tôi.
(Ca dao Việt Nam)
Người xưa đã rất chân thực khi dùng hình ảnh này để tả về sự hy sinh thầm lặng nhưng cao cả của người mẹ dành cho con cái. Qua câu ca dao thấy lòng mình dâng dâng niềm xúc cảm kính trọng, thương mến khi nghĩ về mẹ, đó cũng là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh đã diễn tả hình ảnh mẹ khi tiễn con lên đường bảo vệ Tổ quốc. Còn gì bao la hơn lòng mẹ:
Tiễn con ra chốn chiến trường
Gạt thầm nước mắt, mong đường con khô
Hai tay hết sẻ lại cho
Còn phần mẹ - một thân cò qua sông…
Người đàn ông trong gia đình thường lấy sự nghiệp làm trọng, có câu “Đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ”. Người vợ lại vất vả hy sinh để cho chồng được thành đạt:
Anh đi em ở lại nhà
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ
Lầm than bao quản nắng mưa
Anh đi anh liệu chen đua với đời.
(Ca dao Việt Nam)
Tranh minh họa |
Người mẹ, ngoài tình yêu thương, đức hy sinh cho gia đình còn có tình yêu quê hương, đất nước rất mãnh liệt. Qua lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, có biết bao người phụ nữ đã anh dũng trong công cuộc chống ngoại xâm giữ yên bờ cõi.
Lớp lớp những chị, những mẹ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, họ đã hiến thân mình cho nền độc lập dân tộc. Khi đất nước hòa bình, người phụ nữ ngoài việc chăm lo cho gia đình, các mẹ, các chị còn chung tay vào xây dựng đất nước.
Vị thế của người mẹ trong gia đình rất quan trọng. Mẹ có vai trò chủ đạo, là hạt nhân cơ bản trong gia đình. Về phương diện kinh tế, người xưa có câu: “Đàn ông là cái giỏ, đàn bà là cái hom”. Người đàn ông có làm ra nhiều của cải nhưng người phụ nữ không biết giữ gìn, không biết tính toán chi tiêu hợp lý “bóc ngắn, cắn dài” thì của cải ấy cũng “đội nón” ra đi. Nhà thơ Võ Thanh An có cảm nhận về mẹ:
..Mẹ ngồi tính đốt ngón tay
Miếng ăn, miếng để những ngày giêng hai….
Về phương diện nuôi dạy con cái, đối nhân xử thế ở đời thì người phụ nữ làm việc này cũng “hiệu quả” hơn. Phụ nữ bản tính vốn dịu dàng, ân cần “Lạt mềm buộc chặt”. Người mẹ thường có tính kiên nhẫn khi bảo ban dẫn dũ con cái. Chả thế mà người xưa có câu “Con hư tại mẹ”. Nhà thơ Thế Chính đã viết:
Văn hóa mẹ bình dân lớp một
Đọc thư con từng chữ đánh vần
Mà bao việc ở đời sau trước
Suy xét, đoán nhìn như thể thánh nhân.