Đức cắt giảm ngân sách và "phanh" nợ

THANH HẢI| 24/12/2023 07:35

Văn phòng Thống kê liên bang Ðức vừa công bố báo cáo cho biết, nợ công của đầu tàu kinh tế châu Âu tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 2.454 tỷ euro trong quý III/2023.

Cùng với phán quyết hồi giữa tháng 11 vừa qua của Tòa án Hiến pháp liên bang Ðức về việc chính phủ đã sử dụng sai mục đích 60 tỷ euro trong các khoản vay cứu trợ dịch Covid-19 chưa sử dụng khi phân bổ số tiền này cho Quỹ Biến đổi và Khí hậu (CTF), dẫn đến nhiều tuần đàm phán gay gắt về kế hoạch ngân sách năm 2024, Chính phủ Ðức đang đối mặt khó khăn khi phải cắt giảm ngân sách trong kế hoạch "phanh nợ".

Số liệu thống kê cho thấy, so với cuối năm 2022, Ðức đã gánh khoản nợ mới 85,8 tỷ USD, một phần do vẫn đang triển khai các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng. Như vậy, nợ công của Ðức đã tăng bốn năm liên tiếp, bắt đầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong bối cảnh Chính phủ Ðức đã tạm ngừng thực hiện "phanh" nợ công - giới hạn được quy định trong Hiến pháp.

Quy định "phanh nợ" trong Hiến pháp Ðức nhằm kiểm soát thâm hụt liên bang ở mức 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Việc vay vượt mức trần cho phép chỉ được áp dụng trong trường hợp thiên tai hoặc khẩn cấp "nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước và ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính của nhà nước". Tuy nhiên, quy định này đã trở thành một vấn đề chính trị lớn trong cuộc khủng hoảng ngân sách kéo dài hơn một tháng qua ở Ðức.

Sau một tháng đàm phán căng thẳng trong liên minh cầm quyền, giữa tháng 12 vừa qua, Quốc hội Ðức đã phê chuẩn đề xuất của liên minh cầm quyền về đình chỉ quy định "phanh nợ" thêm một lần nữa, trước khi thông qua ngân sách bổ sung cho năm 2023. Chính phủ liên minh của Ðức biện minh cho việc phải vay mượn nhiều hơn quy định dựa trên một số lý do, bao gồm chi phí năng lượng tăng mạnh do xung đột và các nỗ lực tái thiết sau trận lũ lụt năm 2021 ở miền tây nước Ðức.

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách, các nhà lập pháp Ðức đã phải phê duyệt việc một lần nữa đình chỉ áp dụng quy định "phanh nợ" để trang trải các chi phí như trợ cấp năng lượng cho người tiêu dùng. Ðây là lần thứ 4 liên tiếp Quốc hội Ðức phải tạm dừng áp dụng quy định "phanh nợ".

Liên minh ba đảng cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz cũng đã đạt được thỏa thuận chi tiêu cho năm 2024, trong đó có nhiều khoản cắt giảm mạnh. Theo thỏa thuận ngân sách, chính phủ đồng ý duy trì quy định "phanh nợ" trong năm 2024, sau khi tạm đình chỉ trong năm nay và những năm trước do cuộc xung đột tại Ukraine, khủng hoảng năng lượng và đại dịch Covid-19.

Thay vì phát sinh khoản nợ mới, Chính phủ Ðức sẽ thực hiện tiết kiệm để thu hẹp thâm hụt ngân sách 17 tỷ euro. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền vẫn để ngỏ khả năng "phanh nợ" lại bị đình chỉ trong năm 2024 nếu Ðức cần hỗ trợ thêm Ukraine trong tình hình xung đột tại đây diễn biến nghiêm trọng hơn hoặc những nước khác, trong đó có Mỹ, giảm viện trợ.

Việc Chính phủ Ðức cắt giảm ngân sách chi tiêu sẽ khiến người tiêu dùng đối mặt gánh nặng chi phí năng lượng cao hơn. Kế hoạch loại bỏ trợ cấp cho năng lượng tái tạo và nông nghiệp đã dẫn đến các cuộc biểu tình ở Berlin. Trước viễn cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Ðức đã phải "thắt lưng buộc bụng". Số liệu được Viện Kinh tế Ðức (Ifo) công bố cho thấy, chỉ số đo lường tình hình kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ đã giảm xuống -12,1 trong tháng 12 này, từ -8,8 của tháng trước. Hoạt động kinh doanh những tuần đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Giáng sinh không tốt như các nhà bán lẻ mong đợi.

Theo tính toán của Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW), chi tiêu của Chính phủ Ðức sẽ bị cắt giảm hơn 20 tỷ euro vì phán quyết của Tòa án Hiến pháp Ðức liên quan khoản tiền 60 tỷ euro, kéo GDP giảm 0,5%. Các giải pháp ngân sách hợp nhất do hậu quả của phán quyết ngân sách của Tòa án Hiến pháp Ðức được dự báo sẽ kéo tăng trưởng kinh tế của Ðức năm 2024 giảm 0,3 điểm phần trăm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Chính phủ Ðức vẫn đóng vai trò quyết định trong cuộc khủng hoảng này và liên minh cầm quyền sẽ phải chứng minh khả năng hành động trong chính sách tài khóa của mình để đưa nền kinh tế đầu tàu châu Âu thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/duc-cat-giam-ngan-sach-va-phanh-no-post789012.html
Copy Link
https://nhandan.vn/duc-cat-giam-ngan-sach-va-phanh-no-post789012.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đức cắt giảm ngân sách và "phanh" nợ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO