Đưa sử thi M’nông vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đức Hùng| 23/05/2014 09:02

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có tờ trình và bộ hồ sơ khoa học về sử thi M’nông gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đưa sử thi M'nông vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hoạt động này là nhằm xác định giá trị, sức sống sử thi M’nông trong cộng đồng để có phương án bảo tồn, phát huy.

ADQuảng cáo

Đời sống sử thi

Trong kho tàng văn hóa Việt Nam, sử thi M’nông mang một giá trị văn hóa hết sức đặc biệt, là món ăn tinh thần không thể thiếu còn lưu giữ đến ngày nay. Sử thi M’nông – Ót N'drong được tạo nên từ hàng nghìn câu văn có vần điệu, một thể loại văn học truyền miệng với những câu chuyện mang đậm nét thần thoại về các hiện tượng tự nhiên, nhân vật lịch sử tiêu biểu của dân tộc... Sử thi là sự trộn lẫn của ngôn ngữ với giai điệu của thơ ca, chứa đựng nhiều hình ảnh mang tính biểu cảm sâu sắc.

Nghệ nhân Thị Mai vẫn miệt mài với hoạt động biên dịch sử thi M’nông

Hát kể sử thi đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người M’nông. Trong đó, nghệ nhân có thể nhớ tới hàng vạn câu sử thi, họ có giọng hát hay và tài diễn tấu độc đáo để lưu truyền hát kể sử thi cho con cháu nghe.

Người hát kể sử thi và người nghe có thể ngồi thâu đêm suốt sáng bên cạnh bếp lửa lung linh, ấm áp. Thông qua đó, người nghe nhận biết được quan niệm về sự ra đời của đất, trời, của con người, tín ngưỡng, mối quan hệ trong cộng đồng, phong tục tập quán, sự hình thành và phát triển đời sống xã hội.

Nghệ nhân "sống" cùng sử thi

Trong danh sách những “kho sử thi sống” của đồng bào M’nông hiện nay thì chỉ còn 6 nghệ nhân có thể nhớ và diễn xướng được các bài sử thi M’nông. Điều này đã đặt ra cho ngành văn hóa những việc cấp bách, trước mắt là đòi hỏi phải bảo tồn kịp thời vì những nghệ nhân này tuổi ngày càng cao, sức khỏe và trí nhớ ngày càng giảm sút, nên cần phải có sự quan tâm kịp thời và đặc biệt.

Một điều đáng mừng, tại các địa phương, một số nghệ nhân tâm huyết vẫn đang sống, trăn trở cùng sử thi, khát khao được truyền lại cho thế hệ sau, để sử thi M’nông không bị thất truyền.

Điển hình như nghệ nhân Điểu K’lung, ở bon Bu Prăng 1, xã Quảng trực (Tuy Đức) mặc dù tuổi đã cao, nhưng mỗi khi có dịp được hát kể sử thi thì sức khỏe của ông như được tăng thêm gấp bội.

Ông Điểu K’lung chia sẻ: “Người M’nông quan niệm rằng, người có thể nhớ được hàng trăm, hàng ngàn câu hát sử thi thì phải là người đặc biệt, làm “cầu nối” giữa thần linh và con người. Để có thể nhớ được sử thi thông qua hình thức nghe diễn xướng thì họ cần phải “thấm” được sử thi, nghĩa là trải qua một quá trình lâu dài. Còn để diễn xướng được sử thi, đòi hỏi người đó phải có năng khiếu thì mới có thể thu hút rất đông người nghe, đặc biệt trong dịp lễ hội...”.

Còn nghệ nhân Thị Mai, ở bon Bu Prâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) tiếp nối cha - nghệ nhân Điểu Kâu, hiện vẫn ngày ngày âm thầm đi sưu tầm sử thi, ghi âm lời hát của các nghệ nhân về lưu giữ và biên dịch thành hai thứ Việt – M’nông.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Chị Thị Mai tâm sự: “Sau một thời gian dài nghe bố hát, kể sử thi, tôi mới có thể hiểu được nội dung của các bài, qua đó biên dịch thành hai thứ tiếng. Với lối ngôn ngữ cổ xưa và theo hình thức truyền miệng thì để hiểu sử thi cần rất nhiều thời gian. Đặc thù của sử thi theo lối truyền miệng, số lượng câu quá dài nên việc truyền dạy, học được nó không hề đơn giản chút nào”.  

Sử thi sẽ được bảo tồn, phát huy tốt hơn

Những năm qua, trước sự mai một, thất truyền của văn hóa truyền thống, tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, giữ gìn những nét riêng, nét đặc trưng của văn hóa mỗi dân tộc.

Tỉnh đã phối hợp với nhiều cơ quan nghiên cứu văn hóa sưu tầm 80 bộ với hàng trăm ngàn câu sử thi, luật tục M’nông. Đồng thời, một số đề tài khoa học về văn hóa cũng được triển khai như: văn hóa M’nông và vấn đề bảo tồn văn hóa M’nông; địa chí Đắk Nông; dòng họ M’nông; xuất bản Từ điển Việt - M’nông.

Tại Bảo tàng tỉnh hiện còn lưu giữ 5 bộ sử thi gồm 66 cuốn, trong đó có 42 cuốn sử thi M’nông, phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu sử thi M’nông của người dân trên địa bàn.  

Đặc biệt, thực hiện Đề án “Bảo tồn giá trị hoa văn, cồng chiêng, nhạc cụ các dân tộc bản địa”, trong các ngày hội văn hóa cấp tỉnh, huyện, phần thi diễn xướng sử thi đã được đưa vào, trở thành một trong những hoạt động quan trọng của ngày hội.

Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức các hoạt động lễ hội, mở các lớp dạy hát để khơi dậy đam mê và truyền lại cho thế hệ sau. Trong một số bon làng, sử thi M’nông thường được diễn xướng trong các hoạt động lễ hội.

Tuy nhiên, việc phát huy văn hóa truyền thống của tỉnh cũng đang phải đối mặt với những khó khăn. Đó là công tác bảo tồn chưa mang tính bền vững; biện pháp lưu giữ, truyền bá còn rất hạn chế, một phần là do không đủ kinh phí để sưu tầm, lưu giữ bằng những ấn phẩm, băng đĩa...

Số nghệ nhân khá, giỏi còn quá ít, phần lớn đã tuổi cao, sức yếu, trong khi đội ngũ kế cận thì năng lực còn yếu, nếu không có môi trường để thực hành sẽ mất đi những giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, lưu giữ, chuyển giao gấp những kiến thức về hát kể sử thi cho thế hệ trẻ là vấn đề cần thiết đang được ngành văn hóa đặt ra.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì khi được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sử thi M’nông sẽ được quan tâm, chú trọng hơn. Thông qua các dự án, chương trình, có thêm kinh phí đầu tư thì việc sưu tầm, lưu giữ sử thi sẽ được tốt hơn.

Không những nghệ nhân am hiểu sử thi sẽ được quan tâm chăm lo và tạo điều kiện tốt hơn về vật chất và tinh thần mà sử thi sẽ có môi trường diễn xướng nhiều hơn. Ngày nay, sử thi vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người M’nông trên vùng đất Nam Tây nguyên. Vì vậy, việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của sử thi M’nông vẫn luôn có ý nghĩa quan trọng, nhằm truyền lại cho con cháu, thế hệ mai sau.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa sử thi M’nông vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO